‘Việt Nam nên có luật về công trình xanh’

Để phát triển các công trình, dự án xanh tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng môt hành lang pháp lý và bộ tiểu chuẩn để áp dụng.

Sáng 10-4, Trường Đại học Luật TP.HCM và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Chính sách và pháp luật về dự án công trình xanh ở Việt Nam và một số quốc gia” với sự quan tâm, theo dõi của hơn 120 chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, giảng viên, luật sư… chuyên nghiên cứu về công trình xanh tại Singapore, Malaysia, Anh và Việt Nam.

Cần ban hành bộ đánh giá các tiêu chí xanh

Hội thảo quốc tế được tổ chức với mục tiêu nhận diện, phân tích những khía cạnh pháp lý, kinh tế, môi trường và thực tiễn trong việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam, cũng như tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế.

Các chuyên gia tham dự tại hội thảo quốc tế. Ảnh: ULAW

PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết chúng ta đang chứng kiến một kỷ nguyên mà công trình xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà còn là một phần không thể thiếu trong cam kết toàn cầu của chúng ta về phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, lĩnh vực xây dựng đang thúc đẩy các biện pháp xây dựng xanh, phản ánh cam kết của đất nước về tính bền vững và bảo vệ môi trường.

PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết tại Việt Nam lĩnh vực xây dựng đang thúc đẩy các biện pháp xây dựng xanh. Ảnh: ULAW

Với những kinh nghiệm và nghiên cứu thực tế, bà Lưu Thị Thanh Mẫu (Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản TP. HCM, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation) cho biết qua các chính sách, pháp luật tại Singapore về phát triển công trình xanh thì chúng ta cần ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh/dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam và quy định thẩm quyền đánh giá, cấp chứng nhận công trình xanh thuộc cơ quan xây dựng. Điều này là để ngăn chặn tình trạng ứng dụng tùy tiện công trình xanh, làm cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất.

Bà Mẫu cũng nhấn mạnh cần có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh/ dự án công trình xanh chuyển dần từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng thêm chính sách ưu đãi hiệu quả cho các nhà đầu tư công trình xanh như: (i) Cho vay với lãi suất ưu đãi; (ii) Nghiên cứu thưởng diện tích sàn ở một mức độ hợp lý; (iii) Bổ sung thêm ưu đãi cho các chủ thể phát hành trái phiếu xanh. Cần tổ chức các giải thưởng liên quan công trình xanh nhằm tôn vinh đóng góp của các cá nhân, tổ chức…

Việt Nam mới có hơn 300 công trình đạt tiêu chuẩn xanh

Ông Douglas L. Snyder, Giám đốc Điều hành, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) và TS. Lê Thị Hồng Na, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM thì đánh giá công trình xanh không phải là xu hướng hời hợt nhất thời của ngành xây dựng Việt Nam mà là một chiến dịch tất yếu để phát triển bền vững.

Việc áp dụng công trình xanh cần được coi là một biện pháp hấp dẫn để đối phó với những thách thức ngày càng tăng của ngành xây dựng Việt Nam, ví dụ như dân số quá đông và đô thị hóa, tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, quản lý chất thải và ô nhiễm và tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản TP. HCM cho biết Việt Nam cần ban hành một bộ công cụ đánh giá các công trình xanh.Ảnh: ULAW

Vì vậy, công trình xanh là bước đệm hướng tới sự bền vững, đạt được các mục tiêu bền vững quốc gia và phong trào toàn cầu. Phát triển công trình xanh giúp giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, ngăn ngừa thiệt hại về môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Lưu Quốc Thái, Trường ĐH Luật TP.HCM nhìn nhận đầu tư xây dựng công trình xanh (green building) là một trong số những hoạt động đã trở thành xu hướng trên thế giới, để đạt được mục đích hạn chế tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường. Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ 21 đã tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng công trình xanh và đến nay cả nước đã có hơn 300 dự án công trình được công nhận đạt tiêu chuẩn xanh.

Tuy nhiên, những hoạt động này ở Việt Nam vẫn còn mạng tính tự phát vì đang thiếu một khuôn khổ pháp luật để chuẩn hóa cũng như hỗ trợ cho sự phát triển một cách chính thống.

Qua tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia về công trình xanh, chúng ta nhận thấy rằng, sự tham gia chính thức từ phía cơ quan nhà nước là động lực, cơ chế để thúc đẩy và chuẩn hóa hoạt động đầu tư và cấp giấy chứng nhận đối với công trình xanh. Trong đó, Việt Nam với những điều kiện hiện nay, có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng pháp luật để giải quyết các vấn đề: (i) Về quy hoạch sử dụng đất cho công trình xanh; (ii) Về xây dựng, sử dụng năng lượng, sử thành phần và bảo vệ môi trường; (iii) Về xếp hạng, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm định theo định kỳ; và (iv) Về ưu đãi dự án công trình xanh.

“Trong tương lai xa hơn, Việt Nam nên có một bộ luật về công trình xanh như các nước phát triển trên thế giới để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc thực hiện các dự án công trình xanh”, PGS.TS. Lưu Quốc Thái nói.

Theo PLO