Chi hàng triệu USD cho cuộc đua “xanh” không chỉ giúp Vinamit tối đa hóa lợi nhuận mà còn tạo dựng uy tín cho DN và hướng đến sức khoẻ cộng đồng…
Sấy đông khô nhưng không mất chất
Với quan điểm phải tạo ra những sản phẩm nguyên bản, đơn chất và phải “vì sự sống” trong nông nghiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit (Vinamit) Nguyễn Lâm Viên không một chút băn khoăn hay do dự khi đầu tư hơn 100 tỷ đồng để nghiên cứu công nghệ sấy đông khô.
Hồi tưởng những ngày đầu lập nghiệp, ông Viên cho biết, một trong những phương pháp sấy rất phổ biến là sấy thăng hoa cũng đã ra đời từ cách đây hơn 70 năm. Tuy nhiên, các phương pháp sấy phổ biến vẫn còn một số hạn chế.
Cụ thể, việc sấy ít nhiều làm mất đi giá trị dinh dưỡng, thẩm mỹ của sản phẩm, đặc biệt là nông sản tươi. Bên cạnh đó, phương pháp sấy thông thường chỉ phù hợp với vật thể rắn. Các loại sản phẩm lỏng gần như vẫn là sự giới hạn của phương pháp bảo quản này.
Thách thức này không ngăn cản được doanh nhân đam mê khoa học, ông chủ của Vinamit đặt ra mục tiêu nghiên cứu công nghệ có thể sấy nước trái cây, nước dinh dưỡng đảm bảo tối đa chất lượng của sản phẩm ban đầu, song từ ý tưởng đến thực tế chưa bao giờ là dễ dàng. Mặc dù thị trường trong nước và thế giới có nhiều đơn vị cung cấp thiết bị, nhưng tìm được đúng công nghệ có “điểm đông” phù hợp cho từng loại sản phẩm là cả một hành trình gian nan.
Sau những ngày tháng khó khăn, các sản phẩm sấy đông khô từ thiết bị sấy kết hợp IoT của Vinamit đã xuất khẩu ra thị trường Mỹ và Trung Quốc. Ưu điểm của công nghệ sấy đông khô Vinamit là sản phẩm sấy không cần sử dụng phụ gia, chất bảo quản đi kèm mà vẫn giữ được các chất vi lượng, dinh dưỡng và mùi vị giống đến 96 – 98% so với ban đầu trong thời gian tới hơn 10 năm, một yếu tố mà những người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe ngày nay đang vô cùng chú ý.
“Với công nghệ sáng tạo độc đáo này, Vinamit tự tin về khả năng cung cấp các sản phẩm nguyên bản, không phụ gia theo đúng triết lý “sản phẩm nông nghiệp vì sự sống”. Đồng thời, Vinamit nuôi ý tưởng về việc chế tạo các thiết bị và đào tạo công nghệ này cho các startup trong hệ sinh thái của mình để giúp đỡ những doanh nghiệp đang còn vướng mắc trong vấn đề thiếu công nghệ có thể nâng tầm giá trị sản phẩm” – ông Viên chia sẻ.
Hướng đến hàng Việt tiêu chuẩn xanh
Không chỉ thu mua sản phẩm, từ năm 2003 đến nay, Vinamit đã tổ chức liên kết với nông dân hình thành nên những vùng nguyên liệu lớn, như vùng trồng chuối ở Cà Mau và Tuyên Quang, vùng trồng mít ở Đắk Lắk, Đắk Nông và Tây Ninh, vùng trồng khoai lang ở Đắk Nông… tất cả đều được sản xuất theo kiểu tự nhiên, hữu cơ, không sử dụng hóa chất.
Trong khâu chế biến thực phẩm, Vinamit từ lâu cũng đã đi theo hướng không sử dụng chất bảo quản để đảm bảo cho các sản phẩm của mình vẫn hoàn toàn hữu cơ. Đây là con đường chông gai và Vinamit đã 2 lần phải trả giá đắt do những sơ suất khiến không thể khống chế được sự phát triển của vi khuẩn làm hàng hóa bị hư hỏng.
Lần trả giá đầu tiên là năm 1996 với thiệt hại 500.000 USD. Lần thứ 2 là năm 2010 với thiệt hại tới gần 150 tỷ đồng. Tuy vậy, Vinamit vẫn tiếp tục kiên trì đi theo con đường này, bằng cách bắt tay vào xây dựng những nông trại hữu cơ quy mô lớn, áp dụng sản xuất đúng theo các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế một cách nghiêm ngặt.
Nông trại đầu tiên có tổng diện tích 200 ha (Bình Dương), với hơn 50 loại cây đã được trồng và tất cả đều áp dụng phương pháp hữu cơ. Trong đó, chủ lực là mít, xoài, chuối và sầu riêng. Bên cạnh đó, nhà máy chế biến thực phẩm của Vinamit ở Bến Cát cũng áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chế biến, đóng gói hữu cơ.
Kiên trì thực hiện, Vinamit nhận được Chứng nhận Canh tác hữu cơ, Chế biến hữu cơ và Nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (EU). Đây là cánh cửa để đưa các mặt hàng nông sản Việt Nam đàng hoàng bước vào các thị trường Bắc Mỹ, Nhật Bản và EU, nơi có yêu cầu cao hơn, nghiêm ngặt hơn về các giá trị sức khoẻ, dinh dưỡng và môi trường.
“Xu hướng thực phẩm organic hiện rất phổ biến tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Và tôi muốn trước hết người tiêu dùng Việt Nam phải được sử dụng những sản phẩm ưu Việt đó” – ông chủ của Vinamit nhấn mạnh.