Vốn FDI giảm mạnh bất chấp nỗ lực ‘ghi điểm’ của Trung Quốc

THĐS- Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp khó khăn trong việc thu hút các công ty và đầu tư nước ngoài, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giải quyết vô số thách thức kinh tế thời gian gần đây.

Theo dữ liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) công bố hồi cuối tuần trước, nợ tài chính phát sinh từ việc đầu tư trực tiếp nước ngoài (DIL) – thước đo vốn nước ngoài chảy vào Trung Quốc, ở mức âm 11,8 tỷ USD trong quý III vừa qua. Cùng kỳ năm ngoái, DIL của Trung Quốc ở mức 14,1 tỷ USD.

Đây là lần đầu tiên thước đo này chuyển sang âm trong 25 năm, kể từ khi SAFE bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1998. Dữ liệu này có thể liên quan đến tác động của việc các nước phương Tây “giảm rủi ro” từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang.

Thước đo đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc lần đầu tiên rơi vào mức đỏ kể từ năm 1998, cho thấy nước này đã thất bại trong việc ngăn chặn dòng vốn chảy ra nước ngoài

Nó cho thấy các công ty nước ngoài có thể đang rút tiền ra khỏi đất nước thay vì tái đầu tư vào hoạt động của họ. Nợ tài chính phát sinh từ việc đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm lợi nhuận thuộc về các công ty nước ngoài chưa được chuyển về nước hoặc chưa phân phối cho các cổ đông, cũng như khoản đầu tư nước ngoài vào các tổ chức tài chính.

Tính toán của Financial Times dựa trên dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, dòng vốn FDI vào Trung Quốc trong tháng 9/2023 ghi nhận ở mức 72,8 tỷ nhân dân tệ (10 tỷ USD), giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được công bố hàng tháng vào năm 2014. Luỹ kế từ tháng 1 đến tháng 9, FDI của Trung Quốc giảm 8,4%.

Sự sụt giảm về FDI là một phần trong các chỉ số kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế do Covid-19 vào đầu năm. Tháng 1/2023, vốn FDI vào Trung Quốc tăng vọt 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2023, dòng vốn này ghi nhận mức sụt giảm 2 con số trong mỗi tháng.

Vanguard Group, một trong những công ty quản lý quỹ lớn nhất của Mỹ và thứ 2 thế giới, đang thực hiện những bước cuối cùng để rút khỏi Trung Quốc. Vanguard chia sẻ với CNN rằng họ đặt mục tiêu đóng cửa văn phòng ở Thượng Hải sau tháng 12/2023. Công ty cho biết họ đã bán cổ phần trong liên doanh của mình cho đối tác địa phương là Ant Group vào tháng trước, như một phần của việc thoái lui.

Chưa thể trấn an được các nhà đầu tư

Bắc Kinh đang tìm cách đảo ngược dòng vốn chảy ra ngoài trước trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng. Nhưng những nỗ lực này dường như chưa thể trấn an được các nhà đầu tư.

Cuối tháng trước, cơ quan lập pháp Trung Quốc đã phê duyệt 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) trái phiếu chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế. Trái phiếu sẽ được sử dụng chủ yếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Quỹ đầu tư quốc gia này cũng đã mua cổ phiếu vào tháng trước để thúc đẩy thị trường chứng khoán đang sa sút của nước này, một trong những thị trường có kết quả tồi tệ nhất thế giới trong năm nay.

Vào tháng 9, Bắc Kinh cũng đã nới lỏng kiểm soát vốn ở hai thành phố lớn nhất đất nước là Bắc Kinh và Thượng Hải để cho phép người nước ngoài tự do chuyển tiền vào và ra khỏi đất nước.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã gặp một số công ty nước ngoài hàng đầu trong tháng 9, bao gồm JP Morgan, Tesla và HSBC, cam kết sẽ mở cửa hơn nữa ngành tài chính và “tối ưu hóa” môi trường hoạt động cho các công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các nhà đầu tư toàn cầu vẫn cảnh giác trước sự giám sát ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các công ty phương Tây và sự suy thoái cơ cấu.

Một cuộc khảo sát vào tháng 9 của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho thấy chỉ 52% số doanh nghiệp được hỏi lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 5 năm của họ, mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1999. Con số này thấp hơn so với 55% vào năm 2022 và 78% vào năm 2021.

theo CNN, Financial Times