Nhờ khoản thu nhập khác tăng đột biến do bán tàu “cao tuổi” Đại Minh, lợi nhuận quý II của VOS tăng đột biến lên gần 284 tỷ đồng, góp phần hoàn thành vươt kế hoạch lợi nhuận năm sau 6 tháng.
Theo báo cáo tài chính quý II/2024 mới công bố, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (HoSE: VOS) ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh 80% so với cùng kỳ năm trước, lên 1.872 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn 87% so với cùng kỳ, lên hơn 1.895 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp lỗ gộp hơn 23 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 30,4 tỷ đồng.
Trong kỳ này, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp ngành vận tải biển này cũng giảm 5% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 16 tỷ đồng. Trong khi, các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tương ứng 9% và 21% so với cùng kỳ, khiến doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 49 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 6 tỷ đồng.
Điểm sáng duy nhất trong bức tranh kinh doanh quý II của doanh nghiệp này là khoản lợi nhuận khác tăng đột biến lên hơn 393 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ ghi nhận 0,2 tỷ đồng. Đây là khoản lợi nhuận đến từ việc bán tài sản cố định, cụ thể là bán tàu Đại Minh, được đóng từ năm 2004 tại Nhật Bản.
Khoản lợi nhuận này cũng làm xoay chuyển bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp, giúp mang về gần 284 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II, cùng kỳ chỉ ghi nhận hơn 1 tỷ đồng. Và nếu như không có khoản doanh thu từ việc bán tài sản cố định này thì VOS sẽ lỗ hơn 63 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của VOS ghi nhận tăng mạnh 90% so với cùng kỳ, lên hơn 2.969 tỷ đồng. Nhờ lợi nhuận đột biến trong quý II, nên lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt hơn 358 tỷ đồng, tăng mạnh 383% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp cũng đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 6 tháng.
Giải trình nguyên nhân kết quả kinh doanh quý II cũng như 6 tháng đầu năm tăng trưởng đột biến, lãnh đạo VOS cho rằng, dù thị trường tàu hàng khô và tàu container vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Công ty đã bám sát diễn biến, tận dụng tốt các cơ hội của thị trường, nhất là đối với khối tàu dầu, tiếp tục áp dụng các giải pháp trong hoạt động kinh doanh để tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác như: Đánh giá, cân nhắc và tận dụng sự tăng trưởng của thị trường vận tải dầu sản phẩm, trong quý II/2024 và 6 tháng đầu năm 2024, Công ty đã tiếp tục ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho các tàu dầu.
Bên cạnh đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn cùng kỳ do từ quý I/2024, Công ty đã thuê thêm được hai tàu hoá chất là Đại Hưng và Đại Thành để quản lý và khai thác theo hình thức thuê tàu trần trong thời gian 03 năm nên có thêm doanh thu từ 02 tàu này.
“Với đặc thù quay vòng nhanh nên doanh thu của tàu dầu thường khả lớn, các tàu dầu hoạt động hiệu quả, đã góp phần cải thiện kết quả kinh doanh chung của Công ty”, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.
Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp, doanh thu trong quý II/2024 và 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn so với cùng kỳ do trong quý II/2024 Công ty có thêm 1.256 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động thương mại và luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thương mại là 1.777 tỷ đồng (bao gồm cả giá vốn hàng bán). Nếu loại trừ khoản doanh thu từ hoạt động thương mại này thì doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 trong BCTC hợp nhất sẽ là 1.618 tỷ đồng. Ngoài ra, trong quý II/2024, Công ty có thêm khoảng 400 tỷ đồng doanh thu từ việc bán tàu Đại Minh.
Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của VOS đạt 3.247 tỷ đồng, tăng 20% so với hồi đầu năm. Tiền và tương đương tiền cũng tăng mạnh 296% so với đầu năm, lên gần 611 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 28% so với cùng kỳ, lên 725 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các khoản phải thu của doanh nghiệp cũng tăng 50%, lên gần 772 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc tăng khoản phải thu từ khách hàng là Công ty CP Dịch vụ Hàng hải Vosco và PT Pertamina Internationnal Shipping.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp là gần 1.235 tỷ đồng, tăng 18% so với hồi đầu năm và chiếm 38% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn gần 477 tỷ đồng và nợ vay dài hạn gần 519 tỷ đồng.
Trên thị trường, diễn biến giá cổ phiếu VOS trong phiên giao dịch ngày 17/7 gây chú ý khi quay đầu giảm sàn ngay sau khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến. Theo đó, với lực bán áp đảo, cổ phiếu VOS luôn trong tình trạng giảm điểm. Chốt phiên, cổ phiếu này giảm sàn về mức 18.600 đồng/cổ phiếu, cùng với thanh khoản tăng mạnh và đạt hơn 12,5 triệu đơn vị.
Trước đó, cổ phiếu VOS đã từng khiến thị trường chú ý bởi đà tăng nóng, khi liên tục nối dài chuỗi tăng điểm với nhiều phiên tăng trần liên tiếp, cùng với đó là thanh khoản của cổ phiếu cũng liên tục được cải thiện lên hàng triệu đơn vị cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
Đà tăng giá của cổ phiếu VOS được đánh giá là do hưởng lợi từ xung đột địa chính trị tại Trung Đông, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển. Sung đột căng thẳng ở Biển Đỏ kéo dài đã khiến giá cước vận tải biển tăng mạnh, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp vận tải biển như VOS được hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ giá cước tăng.