Vườn hồng xứ Nghệ hút khách tham quan

Không chỉ là cây chủ lực, mang lại tiền tỷ cho người dân một số xã dưới chân núi Đại Huệ, hiện nay, các vườn hồng ngày càng thu hút khách du lịch.

Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm bên vườn hồng chín rộ. Ảnh: Thạch Giang.

Năm nay, hồng Nam Đàn (Nghệ An) mất mùa, nhưng được giá, đặc biệt là có thêm sức hút mới để khai thác du lịch sinh thái gắn với cây hồng ở địa phương.

Hồng mất mùa, giá cao

Diện tích trồng hồng không lớn, với 40 gốc hồng hàng chục năm tuổi, những năm được mùa cũng cho gia đình ông Hồ Viết Định (54 tuổi) ở xóm 6, xã Nam Anh (Nam Đàn, Nghệ An) khoảng 1,3 – 1,5 tấn quả. Năm nay do hồng mất mùa, đã thu hoạch cả vườn, gia đình ông cũng chỉ kiếm được 7 tạ quả.

Người dân xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn (Nghệ An) thu hái hồng cậy. Ảnh: Huy Thư.

Theo ông Định, vườn đồi nhà ông trồng 2 loại hồng chính là hồng trứng và hồng cậy. Năm trước cả 2 loại hồng này đều được mùa, cây nào cây đó trĩu cành. Năm nay, gần 1/2 số gốc hồng trong vườn ra quả lơ thơ, đặc biệt là hồng trứng, nhiều cây chỉ thấy lá. “Hồng năm nay tỷ lệ đậu quả không bằng năm trước, khi quả đang xanh cũng đã bị rụng nhiều, do đó sản lượng giảm rõ rệt. Riêng vườn nhà tôi, sản lượng hồng bị giảm gần 1 nửa so với năm trước”, ông Định chia sẻ.

Cùng xóm 6 với ông Định, ông Đinh Xuân Dũng được xem là hộ dân trồng hồng nhiều nhất xóm. Với 100 gốc hồng cả to lẫn nhỏ, năm trước, gia đình ông đã thu hoạch hơn 3 tấn hồng. Năm nay, tuy thu hái chưa hết, nhưng ông Dũng cũng chỉ ước đạt khoảng 2 tấn quả, sụt hơn năm ngoái hơn 1 tấn.

Theo người dân địa phương, năm nay hồng mất mùa do nhiều nguyên nhân: Thứ nhất là do thời tiết thất thường, từ khi hồng ra hoa, đậu quả, cho đến khi thu hoạch gặp mưa to kéo dài, khiến hồng bị rụng quả đồng loạt.

Năm nay, hồng không sai quả như năm trước, mất mùa, nhưng được giá . Ảnh: Huy Thư.

Thứ hai, mưa nhiều, độ ẩm cao, sâu bệnh phát triển mạnh, đặc biệt là ruồi vàng – “sát thủ” châm hồng rụng quả. Thứ ba, năm trước hồng được mùa, cây tập trung nuôi quả đến xác xơ, năm nay chắc chắn hồng sẽ cho quả ít… Ngoài ra, việc để hồng chín rũ trên cây cũng ảnh hưởng đến vụ sau. “Năm trước hồng sai quả, gặp dịch bệnh không tiêu thụ được, dân để chín vàng cả núi. Nếu để hồng chín già, không thu hái hoặc thu hái quá muộn, năm sau số lượng quả cũng giảm đáng kể”, ông Hồ Viết Định cho biết thêm.

Huyện Nam Đàn hiện có 3 xã trồng nhiều hồng là Nam Anh, Nam Xuân và Nam Hưng. Trong đó Nam Anh là xã có diện tích hồng lớn nhất với khoảng 150ha, chủ yếu tập trung trên sườn núi Đại Huệ, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 500 tấn quả. Xã Nam Xuân có khoảng 90ha, tập trung ở các xóm Xuân Tân, Xuân Sơn, Xuân Hồng, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 300 tấn quả.

Xã Nam Hưng có khoảng 1.000 cây hồng, tập trung nhiều nhất ở xóm Phong Sơn, mỗi năm cho hàng chục tấn quả. Tính chung cả huyện Nam Đàn, mỗi vụ hồng được mùa đã cung cấp cho thị trường khoảng 800 – 900 tấn quả, đem lại thu nhập hơn chục tỷ đồng.

Người dân địa phương dùng xe máy chở hồng xuống núi và đi nhập cho các điểm thu mua. Ảnh: Huy Thư.

Năm nay, hồng mất mùa, sản lượng giảm mạnh, riêng xã Nam Anh ước tính vụ hồng này chỉ bằng 1/2 năm 2021. Theo ông Hồ Viết Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Anh, tổng sản lượng hồng toàn xã năm 2022 chỉ đạt khoảng 200 – 250 tấn, giảm hơn một nửa so với năm trước.

Tuy mất mùa, nhưng hồng Nam Đàn năm nay khá được giá. Hồng trứng, hồng sơn thu hoạch từ đầu vụ bán sỉ tại vườn trên 20.000 đồng/kg. Hồng cậy chín muộn nhất, hiện đã sang tháng 11, nhiều hộ mới bắt đầu thu hoạch. Giá hồng cậy nhập sỉ cho các điểm thu mua trong vùng khoảng 15.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái từ 5.000 – 7.000 đồng.

Giá hồng cậy bán lẻ ở chợ khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg. Trên địa bàn các xã trồng hồng ở Nam Đàn đều có các điểm thu mua hồng quả. Họ mua hồng về ngâm chín ngọt mới chuyển đi các chợ trong và ngoài huyện và TP Vinh… để tiêu thụ. Chị Trần Thị Huyền, một thương lái ở xã Nam Xuân cho biết: Mỗi mùa hồng, nhà chị thu mua hàng chục tấn, trung bình mỗi ngày nhập vào khoảng 1 – 2 tấn. Năm nay, hồng mất mùa, chỉ thu mua được khoảng 2/3 năm trước. Hồng ít, giá tăng, bán chạy, không có hàng để nhập cho các nơi.
Khởi động du lịch sinh thái vườn hồng 

Vựa hồng Nam Đàn không chỉ có diện tích lớn, chất lượng ngọt, giòn, mà còn được người dân trồng khắp trong vườn nhà, vườn đồi, tạo nên cảnh quan đẹp mắt mỗi mùa hồng chín. Tại xã Nam Anh, hồng được trồng trên các sườn núi, các thung lũng gần khe suối của dãy núi Đại Huệ, như khe Nứa, khe Mai… Mùa hồng chín, đi dưới đường vành đai nhìn lên núi thấy hồng chín vàng rực.

Những cây hồng bị sâu bệnh hoặc ít trái, năng suất thấp, được người dân xã Nam Xuân cưa, cắt để thay hồng mới. Ảnh: Huy Thư.

Những cây hồng trĩu quả, những vườn hồng chín vàng có sức hấp dẫn, lôi cuốn lạ kỳ. Đặc biệt là những vườn hồng cổ thụ có tuổi đời trên dưới 80 năm, thậm chí trên cả 100 năm, gốc to, thân cây cao vút, vẫn sai quả. Hồng cổ thụ mang vẻ đẹp lãng mạn. Cuối mùa, trên những cành cây nhuốm màu nâu đen, lá đã rụng hết, chỉ còn mỗi quả.

Sự hấp dẫn của vườn hồng chín đã mở ra hướng khai thác mới cho người dân địa phương trong việc phát triển du lịch sinh thái gắn với cây hồng. Thời gian qua, một số hộ dân có vườn hồng đẹp, ở vị trí thuật lợi, đã tích cực cải tạo biến thành những địa điểm đón khách tham quan, trải nghiệm. Một số hộ khác đã nhường đất cho các cá nhân mở các khu du lịch sinh thái vườn hồng ở xóm 6, xóm 8, xã Nam Anh với nhiều dịch vụ, như bán vé tham quan (30.000 đồng/lượt), phục vụ ăn uống, cung cấp đặc sản địa phương…thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh.

Hồng Nam Đàn sau khi hái xuống, ngâm trong nước lã 2 – 3 ngày mới chín ngọt. Ảnh: Huy Thư.

Mặc dù các khu du lịch sinh thái gắn với vườn hồng ra đời chưa lâu, chưa khẳng định được tên tuổi, nhưng đã thổi một luồng gió mới vào nghề trồng hồng trên dãy Đại Huệ. Người dân địa phương đã bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất, từ việc chỉ lo trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, đã hướng đến các hoạt động mới.

Nhờ có du lịch sinh thái, nông sản của người dân địa phương sản xuất ra cũng dễ tiêu thụ hơn, bán được giá hơn, trong đó có cả hồng. Bà Hồ Thị Minh (65 tuổi) chia sẻ: Gia đình bà làm 4 sào hồng, năm nay tuy mất mùa, nhưng ước tính cũng được 2 tấn hồng. Hiện bà đã hái được 5 tạ quả, bán lẻ cho khách đến tham quan khu du lịch. “Một mình tôi ở nhà, hái được chừng nào thì bán cho khách du lịch hết chừng đó, vừa được giá, vừa khỏi mất công mang đi nhập. Ngoài hồng còn bán được các loại rau quả khác”, bà Minh cho hay.

Các cơ sở thu mua hồng tại xã Nam Xuân (Nam Đàn) cho biết: Lượng hồng ít, giá tăng, nhưng vẫn không có để nhập. Ảnh: Huy Thư.

Vựa hồng Nam Anh nằm dưới tuyến đường lên chùa Đại Tuệ – địa điểm du lịch tâm linh có tiếng ở Nghệ An, rất thuận lợi cho du khách vừa đi chùa, vừa ghé vào các khu du lịch sinh thái, thăm vườn hồng của các hộ dân. Với cảnh quan đẹp, những vườn hồng ở Nam Đàn đã và đang là điểm đến thú vị của nhiều người. Tuy nhiên, du lịch sinh thái gắn với vườn hồng chỉ hấp dẫn, lôi cuốn trong vài tháng khi hồng chín quả.

Không chỉ người dân Nam Anh biết dựa vào du lịch, bà con trồng hồng ở xã Nam Hưng cũng tranh thủ lợi thế về giao thông, tập kết hồng 2 bên quốc lộ 15A để bán cho khách đi đường, đặc biệt là du khách về thăm Khu di tích Lịch sử Truông Bồn (Đô Lương) cách đó chỉ vài km.

Vườn hồng ở xã Nam Anh (Nam Đàn) thu hút khách tham quan. Ảnh: Huy Thư.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua, trong đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các xã Nam Anh, Nam Xuân đều xem hồng là cây chủ lực. Người dân nơi đây cũng trăn trở về thương hiệu, kỹ thuật bảo quản, chế biến, quảng bá, mở rộng thị trường, mong muốn hồng có giá hơn, có đầu ra ổn định hơn, việc trồng hồng gắn với du lịch sinh thái là hướng đi mới, mở ra nhiều triển vọng cho người dân địa phương.

Hồng được người dân xã Nam Hưng (Nam Đàn) bán ven quốc lộ 15A với giá từ 25 – 35 nghìn đồng/kg, tùy từng loại. Ảnh: Huy Thư.
Ông Trần Quốc Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Nam Anh chia sẻ: “Mùa hồng năm 2022, Nam Anh đã lựa chọn và đưa vào khai thác 2 khu du lịch trải nghiệm vườn hồng với những gốc hồng cổ. Đồng thời, hướng dẫn người dân triển khai các dịch vụ đi kèm như trưng bày, bán sản phẩm đặc trưng, nhất là các sản phẩm OCOP của địa phương; bán vé vào vườn tham quan, trải nghiệm và dịch vụ ăn uống nếu khách có nhu cầu. Từ mô hình này, chúng tôi sẽ đánh giá tính khả quan, từ đó có kế hoạch nhân rộng các vườn hồng đẹp trên địa bàn để làm du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Theo Nongnghiep