Vượt Mỹ, Trung Quốc thành cường quốc ngoại giao số 1 thế giới

Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu năm 2024 của Viện Lowy tiết lộ rằng Trung Quốc có mạng lưới ngoại giao sâu rộng nhất trên thế giới, theo sau là Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu năm 2024 của Viện Lowy (viện nghiên cứu có trụ sở tại Australia) xếp hạng 66 quốc gia và vùng lãnh thổ theo số lượng chức vụ ngoại giao mà họ sở hữu trên khắp thế giới.

Cụ thể, nghiên cứu của Viện Lowy cho thấy Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu thế giới về quy mô mạng lưới ngoại giao của họ, trong đó Trung Quốc nhỉnh hơn với số lượng các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài là 274, trong khi con số này của Mỹ là 271.

Cụ thể, Bắc Kinh dẫn trước ở châu Phi, Đông Á, các quốc đảo Thái Bình Dương và Trung Á, trong khi Washington vẫn chiếm ưu thế ở châu Âu, Bắc và Trung Mỹ và Nam Á. Hai nước “hòa nhau” ở Trung Đông và Nam Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ là hai nước mở rộng mạng lưới của họ nhanh nhất, mỗi nước thêm 11 cơ quan đại diện so với thống kê gần nhất từ năm 2021.

Trong khi đó, chiến sự Ukraine đã gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động ngoại giao của Nga với việc trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao Nga và đóng cửa lãnh sự quán đã làm hạn chế mạng lưới toàn cầu của nước này.

Ông Ryan Neelam, Giám đốc Chương trình Chính sách Đối ngoại và Ý kiến ​​Công chúng tại Viện Lowy, cho biết: “Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu cho thấy các chính phủ tiếp tục đầu tư vào ngoại giao để phát huy sức mạnh và đạt được lợi ích của họ. Sự cạnh tranh đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc được thể hiện qua sự thống trị của các siêu cường trên bảng xếp hạng năm 2024, trong khi cạnh tranh địa chính trị đã đẩy châu Á và Thái Bình Dương trở thành tâm điểm”.

Tại châu Á, Nhật Bản vẫn là quốc gia có mạng lưới cơ quan ngoại giao đông đảo và rộng khắp trên thế giới với 251 cơ quan; trong khi đó Indonesia là quốc gia Đông Nam Á có mạng lưới cơ quan ngoại giao lớn nhất, với 130 cơ quan.

Với số lượng 94 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, Việt Nam được xếp hạng thứ 40, sau Indonesia, Malaysia, Thái Lan nhưng đứng trước Philippines, Singapore, Myanmar, Campuchia, Lào.

Tháng 12 năm ngoái, tại Hội nghị Trung ương về Công tác Đối ngoại diễn ra tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu ngành ngoại giao thể hiện tinh thần chiến đấu để thúc đẩy tầm ảnh hưởng của nước này trên trường quốc tế.

Ông Tập đồng thời cảnh báo về sóng to gió lớn phía trước vì thế giới đã “bước vào một thời kỳ hỗn loạn và biến đổi mới”, ám chỉ về sự đối đầu giữa Bắc Kinh với Mỹ và các đồng minh về những khác biệt về ý thức hệ và địa chính trị.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ “tập hợp đa số áp đảo” trên thế giới, phát huy tinh thần chiến đấu, bác bỏ “mọi hành vi quyền lực chính trị và bắt nạt”.

Theo Đầu Tư Tài Chính