Xây dựng hệ sinh thái bán dẫn hướng đến tự chủ, phát triển bền vững

Ngành bán dẫn đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất các thiết bị điện tử hiện đại, bộ vi xử lý, bộ nhớ và thiết bị lưu trữ dữ liệu… Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất thiết bị.

Công nhân Công ty Meiko Việt Nam chuyên sản xuất bản mạch in điện tử tại KCN Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn

Mục tiêu là trung tâm bán dẫn hàng đầu khu vực

Việt Nam đang ở thời điểm hết sức quan trọng, khi chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm. Việt Nam tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam, với vị thế là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đang đứng trước cơ hội lớn để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất thiết bị.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, để thể hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với kỳ vọng đưa Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm sản xuất và nghiên cứu bán dẫn hàng đầu khu vực.

“Mục tiêu không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn là xây dựng hệ sinh thái bán dẫn, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam. Việt Nam cũng đã và đang thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với các quốc gia, nền kinh tế phát triển thế giới. Thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bán dẫn uy tín trên thế giới, Việt Nam đã và đang thực hiện phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, từng bước đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất ngành công nghiệp bán dẫn” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm khẳng định.

Việt Nam đang từng bước đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: Tuyết Lan

Khai thác tiềm năng để tiến sâu vào chuỗi cung ứng

Theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) dự báo, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỉ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 – 2028.

Trước bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang bùng nổ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, cụm lắp ráp… cho ngành sản xuất thiết bị bán dẫn, từ đó ngày càng tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu. Với nền tảng nhân lực dồi dào và chi phí sản xuất cạnh tranh, Việt Nam đủ khả năng khai thác những cơ hội này để vươn lên mạnh mẽ.

Đánh giá về tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam – ông Kees van Baar – cho rằng, chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị bán dẫn vốn rất đồ sộ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn-nhỏ trên toàn thế giới trong nhiều phân khúc. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng và phát huy ngành công nghiệp phụ trợ hiện có để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị này.

“Sản xuất thiết bị là trụ cột của ngành công nghiệp bán dẫn Hà Lan và Hà Lan sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để cùng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành bán dẫn toàn cầu”- ông Kees van Baar khẳng định.

Theo ông Arnaud Ginolin – Giám đốc Điều hành & Đối tác tại Boston Consulting Group (BCG) – lạc quan chia sẻ, Việt Nam đang sở hữu cơ hội “độc nhất vô nhị” với thị trường thuận lợi về địa chính trị. Cộng thêm, các chính sách cải tiến tiên phong về thúc đẩy nguồn nhân lực và thu hút đầu tư. Theo ông, đây là một hành trình riêng và con đường riêng.

Lạc quan về tiềm năng của Việt Nam, ông Chong Chan Pin, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, chỉ ra điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã được cải thiện. Cùng với đó, các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ và nguồn lực con người, đặc biệt là những người trẻ, đang sẵn sàng học hỏi và phát triển. Hơn nữa, mức tăng trưởng GDP 6% hằng năm là một tín hiệu tốt cho sự hấp dẫn của Việt Nam trong khu vực. Ông Chong Chan Pin cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tự động hóa thông minh và sự cần thiết phải tích hợp công nghệ mới để có thể cạnh tranh với các nước khác trong lĩnh vực chế tạo chip.

Theo Lao Động