Xe điện và những thách thức về hạ tầng trạm sạc

Theo các chuyên gia để xe điện phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam cần có hỗ trợ về giá cho người dùng và các cơ chế chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.

Chiều 27-10, trong khuôn khổ triển lãm Vietnam Motor Show 2022, Hiệp hội Các Nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và Các Nhà Nhập khẩu Ô tô Chính hãng Việt Nam (VIVA) tổ chức hội thảo “Giải pháp công nghệ xanh giảm phát thải bảo vệ môi trường”.

Chia sẻ quan điểm trong phần tham luận về “Ngành công nghiệp ô tô trong kỷ nguyên phát triển bền vững”, PGS -TS Đàm Hoàng Phúc, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam đã và đang đối mặt với ô nhiễm không khí. Việt Nam xếp hạng 36 trên toàn cầu về ô nhiễm không khí.

“Nồng độ PM2.5 trung bình năm của Việt Nam khoảng 24,7 μg/m3, cao gấp 5 lần so với khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO)”, ông Phúc nói.

Theo vị này, số lượng xe tại Việt Nam ngày càng tăng nhanh, trong đó xe ô tô tăng khoảng 13,7%/năm và xe máy tăng 9%/năm. Lượng phương tiện ngày càng tăng nhanh khiến lượng phát thải ngày càng cao.

“Việc điện hóa phương tiện giao thông là một trong những biện pháp quan trọng để giảm phát thải, việc này giảm đến 1/3 khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030”, ông Phúc nhấn mạnh.

Trong bài tham luận với chủ đề “Tăng trưởng xanh – góc nhìn từ người dùng Cốc Cốc”, ông Cường Nguyễn, Giám đốc Ngành hàng Công ty TNHH Cốc Cốc, cho biết theo dữ liệu tìm kiếm của người dùng trình duyệt từ khoá “môi trường” tăng 23% và từ khoá “khí hậu” tăng đến 123% trong 2 năm qua.

Ông Cường Nguyễn, cho rằng có hơn 50% người dùng kỳ vọng các hãng xe sẽ sản xuất nhiều loại xe giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm thải môi trường hơn. Tuy nhiên, các vấn đề như giá xe sẽ tăng và hệ thống cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng tốt việc sử dụng các loại xe thân thiện môi trường cũng là những lo ngại mà người dùng đặc biệt quan tâm.

Tại hội thảo, đại điện các hãng xe đều cho biết các sản phẩm đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và đã có lộ trình cụ thể cho sản xuất xe điện.

Hệ thống cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng tốt cho việc sử dụng các loại xe điện. Ảnh: Minh Hoàng

Trong tham luận “Hạ tầng sạc điện tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, ông Nguyễn Thanh Trung Hiếu, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH Thiết bị & Giải pháp EV1, cho rằng cơ sở hạ tầng và các vấn đề về cung ứng dịch vụ hỗ trợ cần sự phối hợp mang tính đa chiều nhưng đồng bộ của các bên.

“Việc đầu tư trạm điện ở trong khắp cả nước đòi hỏi mức đầu tư cao nhưng lượng xe điện nhiều nên doanh nghiệp chưa giám cam kết đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Hiếu chia sẻ.

Theo ông Hiếu, cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm giá trực tiếp xe điện hoặc hỗ trợ thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư vào xe điện và hạ tầng.

Theo SGTT