Đây vừa là xu hướng của chính các tổ chức tín dụng (TCTD), những tổ chức phát hành trái phiếu và đồng thời cũng là những nhà đầu tư trái phiếu tổ chức lớn trên thị trường; cùng với đó vừa là xu hướng phát hành của những doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn trên thị trường nợ với dòng vốn ổn định, trung và dài hạn – mà tiêu biểu là nhóm doanh nghiệp Bất động sản.

Lãi suất tăng là yếu tố thúc đẩy việc phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất cố định trên nền lãi suất còn thấp như hiện nay đặc biệt là các trái phiếu được bảo lãnh bởi các tổ chức quốc tế uy tín hoặc những lô trái phiếu bởi các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao được chào bán cho các nhà đầu tư phi ngân hàng.

Lãi suất tăng là yếu tố thúc đẩy việc phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất cố định trên nền lãi suất còn thấp như hiện nay đặc biệt là các trái phiếu được bảo lãnh bởi các tổ chức quốc tế uy tín hoặc những lô trái phiếu bởi các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao được chào bán cho các nhà đầu tư phi ngân hàng.

Trong tháng 5, một loạt các ngân hàng đã tăng tốc phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2, tăng năng lực vốn và sẵn sàng cho nhu cầu tín dụng tăng trưởng những tháng cuối năm. 

Thống kê của FiinRatings ghi nhận, thị trường sơ cấp trong tháng 5/2024 chứng kiến tăng trưởng mạnh với tổng giá trị phát hành đạt 23,2 nghìn tỷ VND, chủ yếu đến từ các TCTD, trong khi nhóm Bất động sản giảm 30,3% so với tháng trước. Theo đó, các TCTD có 19 đợt phát hành trị giá 16,5 nghìn tỷ VND (+76,8% so với tháng trước) trong tổng số 26 đợt phát hành của tất cả các ngành trong tháng.

BIDV là ngân hàng có tới 8 đợt phát hành, huy động tổng cộng 5,3 nghìn tỷ VND, kỳ hạn 7,8 và 15 năm. Lãi suất trái phiếu của các đợt phát hành chủ yếu 5,80%; 5,90% và 1 đợt phát hành 6,50%/ năm.

TCB sở hữu lượng phát hành lớn nhất  3 nghìn tỷ VND với 2 đợt phát hành, lãi suất 4,50% và 4,80%/năm. 

HDB, MSB, TPB, Bac A Bank cũng có đợt phát hành với lượng trái phiếu lần lượt 2 nghìn tỷ VND, 1 nghìn tỷ VND, 1 nghìn tỷ VND, 1 nghìn tỷ VND, kỳ hạn đều 3 năm và lãi suất lần lượt 4,80%, 3,90%, 5,10%/năm. Riêng trái phiếu Bac A Bank có lãi suất 5,10% và 5,20%/năm.

Lãi suất của 200 tỷ trái phiếu MB phát hành ở mức 7,20% cho kỳ hạn 7 năm. ShinhanBank cũng có 2 đợt phát hành huy động 2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 5,40%/năm cho loại trái phiếu kỳ hạn 3 năm. 

Trong nhóm tài chính, Home Credit là Công ty tài chính tham gia phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhất, 7,40%/ năm, kỳ hạn 3 năm.

“Tận dụng mặt bằng lãi suất thấp, các TCTD tăng cường phát hành trái phiếu trung dài hạn để đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn, vốn trung dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14-15% cả năm của NHNN”, FiinRatings nhận định.

Nhóm Bất động sản mặc dù có sự suy giảm về lượng phát hành, song theo dữ liệu ghi nhận, các loại trái phiếu riêng lẻ được khối này phát hành cũng có kỳ hạn trung bình 2,7 năm. Vinhomes và Vingroup tổng cộng sở hữu lượng trái phiếu 6 nghìn tỷ VND trong tháng 5, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12-12,50%.

Bên cạnh đó, một công ty Bất động sản được thành lập vào năm 2016, chủ sở hữu đầu tiên chỉ mới 19 tuổi – Cty TNHH Hoàng Trúc My, cũng hút 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12%/năm. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Với tài sản đảm bảo là “Bảo lãnh thanh toán của HDBank”.

FiinRatings đã có báo cáo xếp hạng tín nhiệm lần đầu với Công ty TNHH Hoàng Trúc My, công bố vào tháng 2/2024, triển vọng xếp hạng tín nhiệm “Ổn định”, Kết quả xếp hạng tín nhiệm “BB-“. Được biết, bà Hoàng Trúc My, người đại diện pháp luật cho Công ty là chủ đầu tư của dự án khu nhà ở 22/12 thuộc phường Thuận Giao, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương, quy mô 33,847m2. Tuy nhiên đến năm 2021, Công ty đã đổi người đại diện pháp luật. Hiện dự án này vẫn chưa được khởi công, xây dựng. 

Nhìn chung, các chuyên gia FiinRatings nhìn nhận, trái phiếu mới phát hành trong tháng 5 chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn 2-3 năm và 7-8 năm. Trái phiếu của các tổ chức tín dụng có kỳ hạn bình quân là 5 năm và lãi suất bình quân là 5,4%, cụ thể ngân hàng quốc doanh là BIDV phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, trong khi đó các tổ chức tín dụng tư nhân phát hành chủ yếu phát hành kỳ hạn 3 năm. Nhóm bất động sản chủ yếu ghi nhận loạt trái phát hành với mục đích để cơ cấu nợ.

FiinRatings cho rằng lãi suất tiết kiệm trong nước gần đây đảo chiều tăng trở lại và cũng có thể là chất xúc tác cho trái phiếu có kỳ hạn dài với lãi suất cố định. Theo đó, mặc dù môi trường lãi suất quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các ngân hàng cổ phần tư nhân đã tăng bình quân 19 và 17 điểm cơ bản trong tháng 5 và tháng 6. Điều này sẽ làm cho các trái phiếu doanh nghiệp có cơ chế lãi suất thả nổi có rủi ro cao hơn bởi thực tế Việt Nam vẫn duy trì thông lệ xác định lãi suất trái phiếu trên phần bù rủi ro của lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đây cũng là một trong các chất xúc tác để doanh nghiệp đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu dài hạn như nêu.

Ông Nguyễn Tùng Anh Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro Tín dụng, FiinRatings cũng nhận định, nhu cầu vốn tín dụng nói chung và phát hành trái phiếu sẽ có sự cải thiện đáng kể trong thời gian nửa cuối năm 2024 nhờ một số yếu tố như: Tín hiệu phục hồi của lĩnh vực sản xuất nói chung thể hiện qua sự tăng trưởng nhập khẩu nguyên vật liệu trong tháng 5 năm 2024; Chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng nhằm tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế và hồi phục của doanh nghiệp; và Tín hiệu phục hồi ở một số ngành chủ chốt bao gồm bất động sản nhà ở phân khúc bình dân ở một số địa phương.

Với xu hướng này và các dự báo lãi suất huy động vẫn tiếp tục nhích tăng trong thời gian còn lại của năm 2024, có khả năng thị trường sẽ còn tiếp tục chứng kiến những đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nhằm phục vụ mục tiêu mượn vốn nợ dài hạn của các tổ chức.

Trên thực tế, không chỉ thị trường Việt Nam mới gặp áp lực trong bối cảnh lãi suất neo cao. Theo báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á vừa được công bố bởi Ngân hàng Phát triển châu Á, ADB cho biết lãi suất trái phiếu tại Đông Á mới nổi tăng trong bối cảnh các kỳ vọng ngày càng được củng cố về việc lãi suất sẽ tiếp tục được neo cao trong thời gian dài hơn.

Theo ghi nhận của ADB, dòng vốn trái phiếu rút khỏi các thị trường khu vực lên tới 20 tỉ USD trong tháng 3 và tháng 4. Giảm phát chậm hơn kỳ vọng đã củng cố khả năng lãi suất tăng cao hơn trong thời gian dài hơn và thúc đẩy lãi suất trái phiếu ngắn hạn và dài hạn tại cả các nền kinh tế phát triển và các thị trường khu vực.

Đáng chú ý, lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn cũng phủ bóng lên các thị trường trái phiếu bền vững tại khu vực ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3), dẫn tới sự sụt giảm trong hoạt động phát hành trái phiều bền vững trong Quý 1 năm 2024, đạt 805,9 tỉ USD vào cuối tháng 3.

Tại Việt Nam, ADB cho biết, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ đã phục hồi với mức tăng trưởng 7,7% so với quý trước, nhờ lượng phát hành trái phiếu Chính phủ tăng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nối lại việc phát hành tín phiếu ngân hàng trung ương vào tháng 3. Trái phiếu kho bạc và trái phiếu Chính phủ khác tăng 3,3% so với quý trước để hỗ trợ các yêu cầu tài trợ của Chính phủ. Trái phiếu doanh nghiệp giảm 0,9% do khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn và lượng phát hành thấp.

Cũng theo báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á, thị trường trái phiếu bền vững ở Việt Nam đạt quy mô 800 triệu USD vào cuối tháng 3. Thị trường này bao gồm trái phiếu xanh và các công cụ trái phiếu bền vững do các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và hầu hết có kỳ hạn ngắn.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp