Xuất hiện “đối thủ” mới của sầu riêng Việt

Sầu riêng tươi Malaysia vừa chính thức có “visa” xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc khiến cuộc đưa giành thị phần tại thị trường 1,4 tỷ dân ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Thông qua việc vừa ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi của Malaysia xuất khẩu sang Trung Quốc, Trung Quốc đã chính thức cho phép Malaysia xuất khẩu sầu riêng tươi sang đất nước 1,4 tỉ dân.

Trung Quốc đã chính thức cho phép Malaysia xuất khẩu sầu riêng tươi sang đất nước 1,4 tỉ dân.

Lợi thế “vua sầu riêng”

Bộ trưởng Nông nghiệp và an ninh thực phẩm Malaysia, Datuk Seri Mohamad Sabu kêu gọi 63.000 nông dân trồng sầu riêng của nước này mở rộng diện tích để tận dụng ngành xuất khẩu “tỉ đô”.

“Thị trường xuất khẩu sầu riêng của Malaysia sang Trung Quốc đã được mở rộng. Nghị định thư này sẽ thúc đẩy ngành sầu riêng trong nước và tăng giá trị xuất khẩu nông sản. Giờ đây, sầu riêng tươi nguyên trái của Malaysia có thể tiến vào thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Mohamad Sabu nói và cho biết thêm, trước đây, Malaysia chỉ có thể xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi và kem nhuyễn (paste) cũng như cấp đông nguyên trái.

Malaysia dự kiến xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc bằng đường hàng không. Theo ước tính, sầu riêng tươi của Malaysia có thể đến Trung Quốc trong vòng 48 giờ sau khi được thu hoạch tại trang trại nếu vận chuyển bằng đường hàng không. Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng phương thức bán trước, cho phép người tiêu dùng Trung Quốc nhận được sầu riêng tươi của Malaysia sau khi đến Trung Quốc.

Bộ trưởng Mohamad Sabu cho biết, trong giai đoạn 2018-2022, tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng của Malaysia đã tăng 256,3%/ Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của Malaysia ghi nhận giá trị 1,14 tỉ ringgit (250 triệu đô la Mỹ). Trung Quốc là thị trường chính của sầu riêng Malaysia, với giá trị xuất khẩu đạt 887 triệu ringgit (188 triệu đô la) vào năm 2022.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, bắt đầu từ cuối tháng 6, sầu riêng tươi của Malaysia chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, làm tăng sức nóng cạnh tranh trên thị trường 1,4 tỷ dân. Trước đây, chỉ có 3 nước được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường này là Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Theo ông Nguyên, đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới với sức tiêu thụ có thể “bao” hết cả sản lượng sầu riêng tại các quốc gia ở Đông Nam Á.

Ông Nguyên cũng cho biết, tuy sản lượng sầu riêng của Malaysia thấp hơn Thái Lan và Việt Nam, song Malaysia có lợi thế về các giống sầu riêng chất lượng cao. Điển hình là giống sầu riêng Musang King khi đây được xem là loại sầu riêng ngon nhất thế giới nhờ mùi thơm nồng nàn và cơm màu vàng óng. Giá loại sầu riêng này cũng thường rất cao, gấp 4-5 lần so với sầu riêng cơm của Việt Nam.

“Hiện đa số các trang trại sầu riêng ở Malaysia đều trồng các giống đặc sản tương tự như Musang King. Sầu riêng của Malaysia xuất sang Trung Quốc sẽ nhắm vào phân khúc cao cấp, với thương hiệu vượt trội hơn các nước còn lại, trong khi sầu Việt nhắm vào ở phân khúc bình dân”, ông Nguyên nói.

Xây dựng thương hiệu

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, lợi thế lớn nhất của sầu riêng Việt Nam là thu hoạch quanh năm, mùa nào cũng có hàng để xuất khẩu. Trong khi đó, sầu riêng của Malaysia, Thái Lan và Philippines chỉ kéo dài vài tháng giữa năm. Đồng thời, Việt Nam có lợi thế ở vị trí địa lý khi là quốc gia gần Trung Quốc nhất.

Lợi thế lớn nhất của sầu riêng Việt Nam là thu hoạch quanh năm, mùa nào cũng có hàng để xuất khẩu, do đó cần nâng cao chất lượng, thương hiệu.

Cuộc đua cạnh tranh thị phần sầu riêng ở Trung Quốc đang rất quyết liệt. Sau khi sầu riêng Việt vào thị trường Trung Quốc, Thái Lan đang tập trung vào việc nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm. Họ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sầu riêng xuất khẩu không đạt chuẩn, và cả bộ máy vào cuộc để bảo vệ ngành hàng.

Được biết, nước này cũng khuyến cáo và hướng dẫn người dân thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm để làm sao khi đến tay người tiêu dùng Trung Quốc quả sẽ chín mềm, dậy mùi, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Những ai cắt sầu riêng non quá sẽ bị phạt, thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự. Họ làm rất gắt để bảo vệ thương hiệu sầu riêng Thái Lan.

“Với sự xuất hiện sầu riêng Malaysia đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược phát triển bền vững mặt hàng tỷ USD này, bởi thời gian qua chúng ta phát triển quá nóng nên xảy ra những lộn xộn nhất định trên thị trường”, ông Nguyên nói.

Có thể thấy trên thực tế, các đối thủ mạnh như Thái Lan, Malaysia đều có động thái nâng cao chất lượng, củng cố thương hiệu thì ở Việt Nam lại ghi nhận hiện tượng phát triển nóng cây sầu riêng. Ngay sau khi loại quả này được xuất khẩu vào Trung Quốc, diện tích sầu riêng tăng lên nhanh chóng, thậm chí nhiều nông dân còn chặt bỏ cây cà phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng.

Các chuyên gia cho rằng ngành sầu riêng Việt Nam sẽ phải có những chiến lược rõ ràng hơn, thay vì chạy đua theo số lượng. Bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho rằng một số doanh nghiệp trong nước đang “gò ép” số lượng mà quên đảm bảo chất lượng.

“Tôi đến một kho hàng sầu riêng và thấy nhiều quả vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy thì khả năng cao sẽ bị trả lại. Không những thế, việc xuất hàng không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành hàng. Việc một số doanh nghiệp mượn mã số để xuất khẩu sẽ gây hậu quả rất lớn”, bà My cảnh báo.

Do vậy, bà My cho rằng việc đảm bảo chất lượng sầu riêng là ưu tiên số 1 khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, khi có thương hiệu, giá trị của trái sầu riêng sẽ cao hơn gấp nhiều lần.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp