Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đang gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ giảm đáng kể từ đỉnh điểm của đại dịch, và rủi ro về uy tín ngày càng tăng.
Việt Nam, một trong những nhà xuất khẩu gỗ và đồ nội thất hàng đầu thế giới, đã chứng kiến lượng đơn đặt hàng tăng vọt khi người mua ở nước ngoài chi tiêu để cải tạo văn phòng và bếp gia đình của họ.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước tính đạt 12,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó Hoa Kỳ tiếp tục là nhà nhập khẩu gỗ chính của Việt Nam.
Sức mua giảm
Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đã giảm 21% từ tháng 8 đến tháng 9 năm nay, vượt mức giảm 14,6% trong tổng số lô hàng. Xuất khẩu đồ nội thất vào năm 2020 trị giá 7,3 tỷ USD, chỉ sau Trung Quốc và Đức.
Đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2022 trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 7 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ trọng xuất khẩu chiếm 63,4% trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giảm 6,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Viforest, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu là thị trường tiêu thụ chính của đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, nhưng lạm phát cao khiến người tiêu dùng tiết kiệm tiền tại các thị trường này, nơi đồ gỗ là một trong những mặt hàng không thiết yếu nên nhu cầu đã giảm mạnh.
“Lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, đại dịch và các yếu tố khác… đã bắt đầu làm giảm sức mua ở nhiều thị trường trên thế giới” – Viforest lưu ý.
Hơn nữa, từ khi cuộc chiến thuế quan Trung-Mỹ nổ ra vào năm 2018, Việt Nam đã phải đối mặt với cáo buộc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc để tái xuất và dán nhãn “Sản xuất tại Việt Nam”. Giờ đây, chiến sự ở Ukraine đang làm dấy lên lo ngại rằng các sản phẩm bị trừng phạt từ Nga có thể được chuyển qua Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề về khai thác gỗ nhiên liệu cũng đã tăng thêm áp lực cho Việt Nam.
Cơ quan điều tra môi trường phi lợi nhuận (EIA) của Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã khiến gỗ của Nga được vận chuyển qua các nước thứ ba để che giấu nguồn gốc xuất xứ.
Vận chuyển bị coi là bất hợp pháp nếu hàng hóa được vận chuyển qua một nước thứ ba không vì mục đích thương mại nào khác ngoài việc tránh thuế hoặc hoặc các biện pháp trừng phạt.
EIA cho biết xuất khẩu ván ép bạch dương hàng tháng của Việt Nam sang Mỹ tăng 200% sau khi Nga bị trừng phạt vì chiến sự Ukraine, trong khi xuất khẩu của Nga giảm 40%.
EIA đã phỏng vấn những nhà cung cấp ở Trung Quốc để phân tích việc mua gỗ dán và đồ nội thất của Hoa Kỳ, và kết luận rằng “phần lớn gỗ bạch dương trong các sản phẩm này đến từ Nga và đi qua Trung Quốc và Việt Nam trước khi vào Hoa Kỳ”.
Rủi ro về uy tín
Lần gần đây nhất, ngày 16/10/2022, đoàn thanh tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã sang Việt Nam để kiểm tra, xác minh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm gỗ tại nhiều công ty xuất khẩu gỗ của Việt Nam, kể cả những đại diện trong “danh sách đen”.
Nếu Mỹ phát hiện gian lận thuế, đồ gỗ Việt Nam có nguy cơ bị đánh thuế tới 200% với lý do gian lận trong kinh doanh hoặc gian lận thuế, nguồn gốc sản phẩm.
Trước đó, ngày 22 tháng 8 năm 2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành phán quyết sơ bộ về kết quả điều tra gỗ ván ép làm từ gỗ cứng xuất khẩu sang Mỹ từ Việt Nam bị khởi kiện có xuất xứ từ Trung Quốc (được sản xuất thành phẩm hoặc bán thành phẩm ở Trung Quốc, hoàn thiện ở Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ để tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp). Theo đó, DOC bước đầu xác định có 21 công ty hợp tác tốt, 22 công ty “không phản hồi” và 14 công ty “không hợp tác”.
Quyết định về một trong những trường hợp bị cáo buộc vận chuyển trái phép sẽ có hiệu lực trong tháng này. Hình phạt thường bao gồm phạt tiền hoặc cấm nhập khẩu.
Tuần trước, Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) đã tước chứng nhận nguồn cung ứng có đạo đức của một doanh nghiệp, giáng một đòn nữa vào ngành sản xuất đồ gỗ của Việt Nam.
Tổ chức Bảo tồn Toàn cầu có nhiệm vụ xác minh các chuỗi cung ứng không có phá rừng và các hành vi bất thường khác. Tổ chức này đã vừa tước chứng chỉ xuất khẩu của công ty An Việt Phát, công ty chuyên về xuất khẩu viên nén gỗ làm nhiên liệu, trong ba năm rưỡi. Ngày 18/10, FSC cho biết họ đã nhận được khiếu nại về việc An Việt Phát bán “một số lượng lớn” viên nén có giấy chứng nhận giả.
An Việt Phát đã không trả lời yêu cầu bình luận của báo chí. FSC cho biết họ sẽ công bố thêm kết quả điều tra của mình, bao gồm cả các công ty châu Á khác, vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích dự đoán điều này sẽ gây tổn hại cho các nhà nhập khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc vốn chỉ mua gỗ chứng chỉ có nguồn từ Việt Nam và Thái Lan. Các tổ chức bảo vệ môi trường khác đã thúc ép FSC đảm bảo sự minh bạch của chuỗi cung ứng trong bối cảnh lo ngại rằng các doanh nghiệp sử dụng chứng nhận mang tên FSC nhưng vẫn thu lợi từ việc chặt cây trái phép ở những nơi như Indonesia, Campuchia, Lào và Trung Quốc.
Vào tháng 3, hội đồng cho biết hàng hóa từ Nga và Belarus sẽ không thể giao dịch với nhãn FSC “cho đến khi chiến sự kết thúc.”
Những rủi ro về uy tín này đang đè nặng thêm ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thời điểm mà các doanh nghiệp Việt đang vật lộn với nhu cầu giảm mạnh trên thế giới từ khi đại dịch xảy ra.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhìn thấy cơ hội trong bối cảnh hỗn loạn của chiến sự và các lệnh trừng phạt.
Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc nhà máy sản xuất gỗ Hoa Linh được cấp chứng nhận FSC, cho biết đơn đặt hàng của công ty ông giảm 50% trong năm nay so với năm 2021 do lạm phát tác động đến nhu cầu và làm tăng chi phí nguyên liệu, trong khi một số chuỗi cung ứng vẫn hoạt động.
Trong khi triển vọng trước mắt có thể ảm đạm, ông Đông hy vọng công ty của ông có thể giúp lấp đầy khoảng trống cung ứng do các lệnh trừng phạt đối với Nga. Vì theo ông Đông: “Ngành công nghiệp đồ gỗ của Việt Nam tiềm năng rất lớn”.
Theo Vnbusiness