Xuất khẩu nông sản 2025: Tăng tốc để cán đích 65 tỉ USD

Nửa đầu năm 2025, xuất khẩu nông sản đạt 33,5 tỉ USD. Ngành nông nghiệp đang dốc lực tăng tốc trong nửa cuối năm để đạt mốc 65 tỉ USD cả năm.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2025 để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 65 tỉ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2025 là năm có nhiều biến động phức tạp khó lường về chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới, tác động trực tiếp và sâu sắc đến ngành nông nghiệp. Đặc biệt khi kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng chậm và ngay những tháng đầu năm 2025 là sự thay đổi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đã tiếp tục tạo ra những biến động đối với các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, năm 2025 cũng là một năm có ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và Kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và Môi trường 5 năm (2021 – 2025); là năm chuẩn bị, củng cố các nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021-2030).

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 33,5 tỉ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, nông sản đạt 18,3 tỉ USD, thủy sản 5 tỉ USD, lâm sản 8,7 tỉ USD. Tuy nhiên, một số mặt hàng chủ lực như gạo và rau quả sụt giảm kim ngạch.

Để cán đích mục tiêu 65 tỉ USD đã đề ra trong năm nay, Bộ đã đề ra loạt giải pháp từ mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng ưu đãi từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết song phương và đa phương. Bên cạnh đó, Bộ đề xuất các cơ quan chuyên ngành chủ động phối hợp với địa phương biên giới khu vực phía Bắc theo dõi cập nhật, dự báo tình hình lưu thông hành hóa trên địa bàn nhằm đảm bảo việc điều tiết phương tiện, hạn chế ùn tắc, ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục có hành động quyết liệt để tiếp tục duy trì xuất khẩu tại thị trường truyền thống và bổ sung các dòng sản phẩm phù hợp, bổ sung một số nhóm hàng có thể gia tăng giá trị xuất khẩu ở thị trường tiềm năng.

Trong quý III, phấn đấu xuất khẩu nông sản đạt 14-15 tỉ USD kim ngạch, và quý IV cần tăng tốc để đạt tối thiểu 16 tỉ USD. Ảnh: Hải Nguyễn

Đặc biệt, các mặt hàng có dư địa tăng trưởng như cà phê, hạt điều, tôm cá, trái cây đặc sản tiếp tục được hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu chuẩn hóa quy trình để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, chất lượng khắt khe từ thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc. Đồng thời, các thị trường tiềm năng như Trung Đông, ASEAN, Nam Mỹ cũng được đẩy mạnh khai thác.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần linh hoạt chuyển hướng thị trường, chú trọng chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng để gia tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thuế suất và chi phí logistics tăng cao.

Với đà phục hồi xuất khẩu nhiều nhóm hàng, cùng các giải pháp điều hành quyết liệt, ngành nông nghiệp kỳ vọng hoàn thành mục tiêu 65 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, góp phần giữ ổn định cán cân thương mại quốc gia và đảm bảo thu nhập bền vững cho nông dân.

Theo Báo Lao Động