Quy hoạch mạng lưới đại học: Sẽ sáp nhập, đình chỉ trường chưa đạt chuẩn

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ sáp nhập, đình chỉ hoạt động các trường đại học, cao đẳng sư phạm chưa đạt chuẩn. Số lượng trường có thể giảm 20% so với hiện nay.

Trường đại học Quảng Nam nhiều khả năng sẽ được sáp nhập trở thành trường thành viên của Đại học Đà Nẵng – Ảnh: Q.N.

Trao đổi với chúng tôi liên quan Dự thảo quy hoạch mạng lưới đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo HOÀNG MINH SƠN cho biết cấu trúc hệ thống giáo dục đại học hiện nay khá phức tạp. 25 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 23 địa phương quản lý trực tiếp 137 cơ sở giáo dục đại học.

Bên cạnh vấn đề phát sinh về bộ máy tổ chức và biên chế thì sự quan tâm, cách thức quản lý của các cơ quan đối với các cơ sở giáo dục đại học cũng chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Việc phân bổ ngân sách nhà nước thông qua cơ quan quản lý trực tiếp cũng khó bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng dựa trên năng lực và kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Sẽ không còn trường không đạt chuẩn

* Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc nhiều bộ, ngành cùng quản lý đại học gây ra nhiều thách thức cho sự phát triển hệ thống. Tuy nhiên, dự thảo không thấy nêu vấn đề về xóa bỏ bộ chủ quản. Vì sao, thưa ông?

– Dự thảo báo cáo cần phải đánh giá thực trạng mạng lưới hiện nay, tuy nhiên nội dung về cơ quan quản lý trực tiếp hay bộ chủ quản không nằm trong phạm vi nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

* Hiện nay có rất nhiều trường đại học yếu cả về tuyển sinh và hoạt động. Quy hoạch sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?

– Quan điểm của bộ khi xây dựng dự thảo là “sáp nhập hoặc giải thể các trường đại học hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng”. Cụ thể, số cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm công lập giảm ít nhất 20% so với năm 2021, không còn cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn.

Về định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, chúng tôi xác định củng cố, sắp xếp những trường đại học không đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo các phương án: tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3-5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở giáo dục đại học có uy tín và cuối cùng là đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.

Vai trò của đại học quốc gia, đại học vùng

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn – Ảnh: NAM TRẦN

* Số lượng trường đại học giảm nhẹ nhưng sẽ có thêm các đại học quốc gia và đại học vùng. Tuy nhiên, cơ cấu đại học trọng điểm ngành, đại học vùng ở các khu vực chưa đồng đều, tập trung nhiều ở Đồng bằng sông Hồng, tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông, vì sao có sự chệnh lệch này?

– Việc quy hoạch các cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia phải bảo đảm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước, nhất là định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các đại học, trường đại học lớn trong các nghị quyết phát triển vùng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng đã xác định rõ chính sách của Nhà nước: “Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành đặc thù, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.

Theo dự thảo, đại học vùng có vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cho vùng. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng kinh tế phát triển mạnh, cùng với tiểu vùng Trung Trung Bộ đang có hoặc được quy hoạch các đại học quốc gia (với quy mô đào tạo tương đương nhau ở ba vùng này), nên không quy hoạch các đại học vùng.

Như vậy, bên cạnh Đại học Thái Nguyên tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, dự thảo chỉ đề xuất bổ sung bốn đại học tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, phân bố khá đồng đều theo vùng miền. Riêng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có chiều dài rất lớn nên dự thảo quy hoạch có đề xuất hai đại học vùng tại Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

* Tiêu chí cụ thể để quy hoạch trường trọng điểm là gì?

– Mỗi lĩnh vực, ngành trọng điểm chỉ quy hoạch từ 1-2 cơ sở giáo dục đại học. Như vậy, tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn quy hoạch cơ sở giáo dục trọng điểm ngành quốc gia là năng lực đội ngũ giảng viên, tiềm lực cơ sở vật chất, thành tích đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực, ngành đào tạo trọng điểm theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch tổng thể quốc gia, sau đó mới cân nhắc yếu tố phân bố vùng miền.

Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm đứng đầu về nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao ở hai đầu đất nước, do vậy hầu hết cơ sở giáo dục đại học được đề xuất quy hoạch trọng điểm ngành quốc gia đều nằm ở hai thành phố này.

Tuy vậy, nếu xem xét kỹ thì phần lớn các lĩnh vực, ngành trọng điểm đều đã có sự phân bố tương đối hài hòa theo vùng miền, hoặc nằm trong cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia, hoặc nằm trong các đại học quốc gia và đại học vùng (cũng như phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học).

Nòng cốt, dẫn dắt

Các đại học vùng được quy hoạch tại một số vùng, tiểu vùng có quy mô giáo dục đại học còn thấp, đồng thời các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia được quy hoạch.

Những trường đại học, đại học này sẽ cùng các đại học quốc gia thực hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cho một số lĩnh vực, ngành trọng điểm của quốc gia.

 

Sẽ có mô hình đại học quốc gia khác biệt cho Đại học Bách khoa Hà Nội?

* Dự kiến Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thành Đại học Quốc gia. Cơ cấu đại học quốc gia hiện tại là các trường thành viên đào tạo chuyên biệt theo nhóm ngành nào. Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên đào tạo kỹ thuật, các trường con hiện cũng là trường kỹ thuật. Như vậy sẽ có mô hình đại học quốc gia khác biệt cho Đại học Bách khoa Hà Nội?

Ngày 2-12-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1512 chuyển Trường đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

– Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đang đào tạo 11 lĩnh vực tại 5 trường và 5 khoa, viện thuộc đại học, trong đó có 7 lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) và 4 lĩnh vực khác.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, nhưng không có quy định cứng về mô hình tổ chức của các đại học (bao gồm cả đại học quốc gia và đại học vùng) phải có các trường đại học thành viên.

Thực tế là cả hai đại học mới được chuyển đổi trong thời gian qua là Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế TP.HCM đều không lựa chọn mô hình có các trường đại học thành viên mà chọn mô hình có các trường thuộc đại học.

Sự khác nhau giữa hai mô hình này nằm ở chỗ trường đại học thành viên có tư cách pháp nhân riêng và thực hiện quyền tự chủ đầy đủ của một cơ sở giáo dục đại học trong khi đó trường thuộc đại học không có tư cách pháp nhân riêng mà thực hiện quyền tự chủ được phân cấp theo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.

Cần phải nói thêm rằng việc thành lập một trường đại học thành viên phải tuân thủ đầy đủ điều kiện và quy trình như thành lập mới một trường đại học.

Như vậy, việc lựa chọn mô hình tổ chức liên quan tới mô hình quản trị nội bộ và quản lý nhà nước đối với mỗi đại học, nhưng không phải là một nội dung quy định trong phạm vi của Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.

 

Theo Báo Tuổi Trẻ