Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, những năm gần đây chất lượng không khí tại TPHCM đặt ra nhiều lo ngại, nhất là tình trạng ô nhiễm do bụi từ hoạt động giao thông và công trình xây dựng.
Đô thị “ngập” khói bụi
Việc lưu hành lượng xe máy lớn (đặc điểm phát thải ô nhiễm độc hại) ở TPHCM với khoảng gần 8 triệu xe máy (chưa kể ô tô và các phương tiện xe cơ giới khác) là một vấn đề rất nan giải hiện nay. Nghiên cứu về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) chia sẻ: “Chúng ta đang phải sống trong một môi trường ô nhiễm không khí đáng lo ngại bởi nhiều nguồn phát thải, trong đó có tình trạng ô nhiễm do bụi từ hoạt động giao thông và công trình xây dựng”. Dẫn chứng, ông Tuấn Anh cho biết, số liệu của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TPHCM cho thấy nhiều “con số biết nói”.
Hiện nay, riêng đô thị TPHCM đang quản lý khoảng 9 triệu phương tiện, gồm 7,8 triệu xe máy và 865.000 ô tô. Dân số TPHCM cũng đang quá tải bởi lượng lao động, người di cư từ các tỉnh về làm việc. Dân số cùng lượng xe tăng là nguyên nhân tạo áp lực cho giao thông. “Từ nhiều năm trước đây, chính quyền thành phố đã tìm nhiều giải pháp để hạn chế xe 3-4 bánh tự chế và các phương tiện phát thải ô nhiễm không khí độc hại, thế nhưng đối tượng gây ra ô nhiễm bụi, nhất là bụi mịn là mô tô, xe máy lại chưa thể có giải pháp căn cơ” – ông Tuấn Anh chỉ ra.
Về vấn đề này, ông Trần Nguyên Hiền – Trưởng phòng quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) đưa ra số liệu kết quả quan trắc của Sở này, cho biết, có thời điểm ghi nhận nồng độ ô nhiễm bụi tổng và bụi mịn (PM10, PM2.5) trên địa bàn đã vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, quan trắc thời điểm cuối năm 2023 vừa qua, các mẫu bụi tổng vượt chuẩn 9,38%, trong đó tập trung ở các nút giao thông: Cát Lái, An Phú (TP Thủ Đức) và tuyến đường Lê Đại Hành (quận 11). Riêng bụi mịn vượt chuẩn khoảng 4,4%, tập trung ở các nút giao thông Cát Lái (TP Thủ Đức) và khu vực Bà Quẹo (quận Tân Bình). Đa phần các mẫu vượt chuẩn ở thời điểm buổi sáng (7h30-8h30), là thời điểm phương tiện giao thông lưu thông nhiều. Cũng liên quan đến nguồn phát thải ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông, PGS.TS Hồ Quốc Bằng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM từng đưa ra các cảnh báo và lo ngại. Trong đó, chuyên gia này cho rằng, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 là các “sát thủ” lơ lửng trong không khí và thủ phạm không ai khác chính là các phương tiện giao thông hoạt động liên tục 24/24 tại các đô thị. Riêng xe máy chiếm trên 80% tổng lượng phát thải gây hại vào môi trường.
PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen suyễn dị ứng và miễn dịch lâm sàng TPHCM cũng cho rằng, các vật chất siêu nhỏ ngày càng đậm đặc hơn do thiếu cơ chế kiểm soát nguồn phát thải đã tạo ra các nguy cơ ngày càng lớn hơn, tác động nặng nề hơn đối với sức khỏe của cư dân đô thị, đặc biệt là trẻ em. Bà Lan dẫn chứng, nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân từ ô nhiễm không khí, trong đó chỉ riêng tại TPHCM có hơn 1.000 người chết mỗi năm. Các nguyên nhân gây tử vong có liên quan ô nhiễm không khí, bao gồm nhồi máu cơ tim, bệnh lý về hô hấp, ung thư phổi, hoại tử da…
Giải pháp cải thiện chất lượng không khí
Đại diện phòng quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM cho biết, thành phố hiện đang nghiên cứu các giải pháp kiểm soát. Trong đó, bên cạnh đề án tổng thể giai đoạn từ nay đến 2030, Sở TNMT thành phố và các quận, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ để thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng không khí để có các giải pháp cụ thể phù hợp. Thời gian tới, Sở TNMT và Sở Giao thông vận tải cũng phối hợp tìm hướng giảm thiểu ô nhiễm ở những nút giao thông có tỷ lệ ô nhiễm vượt chuẩn theo kết quả quan trắc báo cáo.
Hiến kế giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động giao thông và xây dựng công trình đô thị, ông Tuấn Anh cho rằng, cần tận dụng các quỹ đất đang hoang hóa tại các quận, huyện để tạo thêm mảng xanh đô thị. Việc trồng nhiều cây xanh tạo ra khả năng cân bằng chất lượng ô nhiễm không khí đang xuống cấp trầm trọng ở trung tâm đô thị, đồng thời giúp cung cấp một lượng lớn ôxy cho người dân ở “vũng lõi” đô thị. “Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trung bình cứ một cây xanh có thể cung cấp đủ lượng ôxy cho 4 người. Đồng thời, cây xanh cũng hấp thụ CO2, amoniac, Nox, bụi bẩn từ hoạt động giao thông và xây dựng… Từ đó, giúp làm giảm các khí độc hại bị thải ra môi trường, giúp không khí trở nên trong lành hơn” – ông Tuấn Anh phân tích.
Về chiến lược lâu dài giúp giảm phát thải ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải, tại Hội thảo quốc tế về phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu trong lĩnh vực giao thông vận tải vừa tổ chức cuối năm 2023, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM cho biết, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ đạt quy chuẩn phát thải ròng về bằng “0”. Giao thông vận tải và khía cạnh kỹ thuật xây dựng, bao gồm cả tổ chức quản lý vận tải hiện nay là lĩnh vực tác động chính đến biến đổi khí hậu, chiếm đến 60% lượng phát thải nhà kính trên toàn cầu.
Theo ông Hùng, để đạt được mục tiêu bền vững cho các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM thì bên cạnh sự vào cuộc của các nhà quản lý, các doanh nghiệp, những kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu mới từ các nước tiên tiến trên thế giới, tiếng nói từ các nhà khoa học có uy tín trong nước là rất quan trọng.