Đề xuất điều chỉnh quy định tỷ lệ trích lập Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhà nước chủ động xác lập tỷ lệ trích lập Quỹ tối thiểu nhưng không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập năm nhằm bảo đảm tính bình đẳng về quy định tỷ lệ trích lập Quỹ giữa các doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác…

Ảnh minh họa

Đây là đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ nêu tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.

Dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Nghị định 95, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận xét, sau gần 10 năm thực hiện, Nghị định đã đạt được kết quả nhất định. Việc sửa đổi Nghị định số 95/2014/NĐ-CP xuất phát từ những bất cập trong thực hiện đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ và sự thay đổi của pháp luật có liên quan.

SỬ DỤNG SỐ TIỀN TỪ QUỸ CHI CHO HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CHỈ ĐẠT 60%

Về trích lập và sử dụng Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp, theo thống kê của Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính, số tiền và số doanh nghiệp trích lập Quỹ không nhiều; việc sử dụng số tiền từ Quỹ chi cho hoạt động khoa học và công nghệ chỉ đạt 60%.

Trong giai đoạn 2015-2021, số tiền trích lập Quỹ cả nước đạt trên 23.000 tỷ đồng và sử dụng trên 14.000 tỷ đồng đã góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học công nghệ và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã chủ động trích lập và sử dụng hiệu quả nguồn lực này cho hoạt động Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Số liệu về tình hình trích lập và sử dụng Quỹ năm 2022 do Tổng cục thuế cung cấp tháng 11/2023, có khoảng 220 doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ trong năm 2022 với tổng số tiền trích lập là khoảng 6.500 tỷ đồng.

Số Quỹ được sử dụng khoảng 3.200 tỷ, trong đó số Quỹ được sử dụng từ nguồn trích lập năm 2022 khoảng 848 tỷ.

Cùng là doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp nhà nước phải trích lập từ 3-10% lợi nhuận trước thuế, trong khi các doanh nghiệp khác chỉ quy định trích lập tối đa 10%, thậm chí không trích lập Quỹ.

So sánh với năm 2021 (có 254 doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ với tổng số tiền trích lập là 3.349 tỷ đồng, số Quỹ được sử dụng là 684 tỷ đồng) cho thấy số liệu về trích lập và sử dụng Quỹ năm 2022 đã có sự gia tăng đáng kể.

Nói về những tồn tại, hạn chế trong trích lập và sử dụng Quỹ, dự thảo báo cáo chỉ ra sự chưa bình đẳng về quy định tỉ lệ trích lập Quỹ giữa các doanh nghiệp.

Theo đó, cùng là doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp nhà nước phải trích lập từ 3-10% lợi nhuận trước thuế, trong khi các doanh nghiệp khác thì chỉ quy định trích lập tối đa 10%, thậm chí không trích lập Quỹ. Điều này đi ngược lại chính sách khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, tỉ lệ trích lập Quỹ chưa phù hợp cơ cấu và quy mô doanh nghiệp Việt Nam. Đặc thù ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số, nguồn thu nhập trước thuế của các doanh nghiệp này không lớn, nếu áp dụng cùng tỉ lệ trích lập Quỹ tối đa 10%/năm thì số tiền trích lập Quỹ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất nhỏ, cho dù có cộng dồn 5 năm vẫn không đủ để doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ.

Mặt khác, doanh nghiệp FDI có nhu cầu và tốc độ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ rất lớn nhưng qua khảo sát thực tế gần như không có doanh nghiệp FDI nào trích lập Quỹ này.

Cũng theo dự thảo, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về Quỹ chưa đồng bộ và chặt chẽ: Thiếu chế tài xử lý doanh nghiệp nhà nước không trích lập hoặc trích lập không đủ tỉ lệ tối thiểu 3% theo quy định dẫn đến tình trạng tỉ lệ doanh nghiệp trích lập Quỹ và số tiền Quỹ được trích lập đều rất thấp.

Quy định pháp luật về Quỹ chưa phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp. Quy định pháp luật về xử lý Quỹ được trích lập nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% chưa khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ và tích lũy Quỹ cho các dự án nghiên cứu dài hạn…

TỶ LỆ TRÍCH LẬP QUỸ TỐI THIỂU NHƯNG KHÔNG QUÁ 10% THU NHẬP TÍNH THUẾ

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo tờ trình Nghị định đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 9 về tỷ lệ trích lập Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp Nhà nước theo hướng: doanh nghiệp nhà nước chủ động xác lập tỷ lệ trích lập Quỹ tối thiểu nhưng không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập năm nhằm bảo đảm tính bình đẳng về quy định tỷ lệ trích lập Quỹ giữa các doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc sửa đổi quy định này cũng làm giảm các ảnh hưởng đến đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp nhà nước theo Điều 28 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 10 về nội dung chi của Quỹ. Bổ sung các nội dung chi cho hoạt động khoa học và công nghệ đã được quy định tại Điều 4 nhưng chưa được quy định tại Điều 10 của Nghị định. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 về nội dung chi “mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” theo quy định tại điểm b mục 3 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội để đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Trong đó, dự thảo Nghị định đưa ra 2 phương án. Phương án 1: “Mua máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp.”

Phương án 2: “Mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.”

Bộ cũng đề xuất bổ sung quy định về nội dung chi của Quỹ cho hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp. Bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Sửa đổi quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 11 về việc các doanh nghiệp đã đóng góp vào Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, bộ, ngành, địa phương có quyền yêu cầu hỗ trợ từ Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ theo hướng: Doanh nghiệp nhà nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ sẽ nộp về Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thay vì nộp về Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia theo quy định hiện nay.

Bổ sung quy định về việc đề xuất phương án xử lý số tiền tồn dư do doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ các cấp theo quy định. Do hiện tại Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia đang quản lý khoản kinh phí do doanh nghiệp đóng góp về Quỹ theo quy định tại Nghị định 95 nhưng các doanh nghiệp đã đóng góp chưa có yêu cầu hỗ trợ từ Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia; dẫn đến nguồn tiền tồn dư này chưa được sử dụng, khai thác hiệu quả.

Do vậy, dự thảo đề xuất quy định: Sau 5 năm từ khi doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố, nếu doanh nghiệp không có yêu cầu sử dụng số kinh phí đã đóng góp thì không được yêu cầu Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố hỗ trợ bằng số đã đóng.

Nguồn đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố sau 5 năm được bổ sung nguồn kinh phí của các Quỹ để dùng cho các hoạt động tài trợ, cho vay theo điều lệ Quỹ. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố hàng năm có trách nhiệm báo cáo và đề xuất phương án xử lý số kinh phí tồn dư cơ quan quản lý cấp trên để xử lý theo quy định.”

Theo Vneconomy