Đây là chuỗi hoạt động nằm trong dự án “Hành trình yêu thương – Chia sẻ sự sống” được thực hiện bởi Urgo Foundation, Trung tâm Hiến máu Nhân đạo TP.HCM và Nhà thuốc FPT Long Châu nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hiến máu tại Việt Nam.
Sau buổi họp báo khởi động và giới thiệu dự án vừa qua thì sáng 17/10, đã có rất nhiều cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực y tế có mặt để tham gia hiến máu. Được biết, Ngày Hội hiến máu được tổ chức trong ngày 17 và 18/10 tại Trung tâm Đào tạo Tầng 5 – Toà nhà Golden King – Số 15 Nguyễn Lương Bằng, P. Tân Phú, Quận 7, TP. HCM.
Tình nguyện viện tham gia hiến máu nhân đạo.
Chiến dịch “Hành trình yêu thương – Chia sẻ sự sống” sẽ tập trung vào việc kêu gọi chính các cán bộ, nhân viên ngành dược tham gia vào các hoạt động hiến máu nhân đạo do Hội Chữ Thập Đỏ (CTĐ) cùng Quỹ Urgo đồng hành tổ chức và quảng bá trên diện rộng. Trước mắt, dự án sẽ bắt đầu cùng các dược sỹ của hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu để tạo ra phong trào, xu thế, nâng cao nhận thức về sức mạnh của sự hiến máu trong công tác cứu người, từ đó vận động các cộng đồng ngành nghề khác tham gia hiến máu tình nguyện và từ đó cùng nhau lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Quy trình hiến máu được thực hiện nghiêm ngặt đúng theo Thông tư 26 của Bộ Y tế đã hướng dẫn. Người tham gia hiến máu trước đó đăng ký số thứ tự qua trang thông tin của chương trình, tại địa điểm hiến máu, tình nguyện viên sẽ được kiểm tra sức khỏe đảm bảo đủ điều kiện, sau đó sẽ được lấy máu xét nghiệm sàng lọc. Sau khi hoàn tất các bước, tình nguyện viên sẽ thực hiện hiến máu. Kết thúc quá trình, người hiến máu sẽ nghỉ ngơi tại chỗ và được phục vụ ăn nhẹ, trước khi ra về sẽ được nhận quà lưu niệm từ chương trình.
Quy trình thăm khám bệnh trước khi thực hiện hiến máu.
Trong buổi họp báo trước đó, đại diện của Hội CTĐ, Bác sĩ Trần Thị Thắm kiêm Giám đốc Trung tâm hiến máu nhân đạo TP.HCM, chia sẻ: “Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam cần khoảng 2 triệu đơn vị máu dùng cho điều trị các chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, cho người mắc các bệnh cần truyền máu. Cứ mỗi 2 giây lại có những yêu cầu cần thiết liên quan tới truyền máu và trung bình cứ 7 người vào bệnh viện thì có 1 người cần tiếp máu.
Do đó hiến máu tình nguyện là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm can thiệp kịp thời để cứu mỗi mạng sống lúc lâm nguy và để tiếp tục phục vụ các phương pháp điều trị hiện đại cần truyền máu điều trị, nhằm nâng cao nghiên cứu phát triển y tế, tất cả vì sức khỏe cộng đồng”.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, ở thời điểm hiện tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 54% nhu cầu máu phục vụ trong quá trình điều trị, cấp cứu. Vì vậy, chiến dịch thực hiện với mong muốn nhằm thúc đẩy, lan tỏa hoạt động mang ý nghĩa tới cộng đồng.
Theo ông Pascal B. Auzière, đại diện Quỹ Urgo, cho biết: “Thông qua chiến dịch, Quỹ Urgo muốn kêu gọi toàn thể các cộng đồng nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cùng chung tay lan tỏa hoạt động hiến máu nhân đạo, bằng việc kêu gọi các cán bộ, nhân viên, ngay tại các cơ quan, đoàn thể đang hoạt động tại Việt Nam này cùng thực hiện, từ đó lan tỏa ra các hộ gia đình của mỗi người, để góp phần chia sẻ sự sống một cách đầy nhân văn và ý nghĩa”.
Chiến dịch nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ từ phía Tổng Lãnh Sự quán tại Việt Nam, Hiệp Hội các Doanh nghiệp (DN) Pháp tại Việt Nam (CCIFV) và đặc biệt Trung tâm Khám chữa bệnh Centre Medical International – CMI – Trực thuộc Viện Tim TP.HCM, do bác sĩ Tim mạch Alain Carpentier, cha đẻ của trái tim nhân tạo Carmat có thể cấy ghép đầu tiên trên thế giới đồng sáng lập. Hàng năm CMI quyên góp 100% lợi nhuận thu được cho Viện Tim TP.HCM để tài trợ phẫu thuật tim cứu sống cho các bé kém may mắn.
Tình nguyện viên nhận giấy chứng nhận và quà lưu niệm sau khi hiến máu.
Quỹ Urgo được thành lập từ năm 2010 với mục đích phi lợi nhuận, mang nhiệm vụ hỗ trợ, đào tạo các y dược sĩ thông qua các nghiên cứu khoa học và khóa đào tạo do Quỹ tài trợ trên hơn 15 nước, từ đó xây dựng đội ngũ y dược sĩ giàu kinh nghiệm nhằm chăm sóc, phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Hoạt động của quỹ hướng tới 5 lợi ích cốt lõi, trong đó phải kể đến: Cùng hành động để sơ cứu cứu người tốt hơn, cùng hành động vì sự phát triển của trẻ em, và cùng hành động để cùng chia sẻ sự sống.
Hải Ngọc