Bà Rịa-Vũng Tàu xúc tiến thương mại với nhiều sản phẩm thế mạnh

Thủy sản, nông sản, luyện kim, cơ khí, hóa dầu, dịch vụ du lịch lữ hành, các dịch vụ vận tải biển, logistics những sản phẩm có thế mạnh được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung xúc tiến thương mại.

Công nhân của Công ty Cổ phần cao su Thống Nhất sơ chế, rửa sạch chuối trước khi đóng gói xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh Đông Nam Bộ, nằm trên đường hàng hải quốc tế Á-Âu.

Tỉnh có mạng lưới giao thông đường thủy, đường bộ phát triển, góp phần hoàn thiện mạng lưới logistics kết nối các vùng cung ứng nguyên liệu, hàng hóa. Nắm bắt lợi thế, hoạt động xúc tiến thương mại đươc tỉnh chú trọng thực hiện, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa cho nhiều sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương.

Khẳng định thế mạnh

Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết hiện trên địa bàn, các dòng sản phẩm phát triển rất đa dạng, đồng bộ như thủy sản, trồng trọt, luyện kim, cơ khí, hóa dầu, dịch vụ du lịch lữ hành, các dịch vụ vận tải biển, logistics.

Kết quả khảo sát của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy tỉnh có khoảng 130 doanh nghiệp và 290 cơ sở, hộ cá thể hoạt động sơ chế, chế biến thủy sản, hơn 40 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP (hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm) với công suất hơn 250.000 tấn thành phẩm/năm.

Thu hoạch tiêu tại Công ty cổ phần nông nghiệp, thương mại, du lịch Bầu Mây. (Ảnh: TTXTĐT)

Trong số đó, khoảng 30 cơ sở được cấp giấy chứng nhận CODE-EU (chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu).

Hầu hết đơn vị còn lại đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Brazil… với các mặt hàng chủ lực như surimi, tôm, cá, mực, bạch tuộc, cua, ghẹ và các mặt hàng đông lạnh nguyên con, philê, thành phẩm đóng gói nhỏ.

Chất lượng sản phẩm cao, nguồn cung lớn và luôn ổn định, đủ sức cung ứng cho các hệ thống bán buôn, bán lẻ trong và ngoài tỉnh, đảm bảo được các đơn hàng lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện, các sản phẩm của ngành thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu đã có mặt ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Một sản phẩm OCOP của Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: TTXTĐT)

Bên cạnh đó, với chủ trương trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển đa dạng, phong phú các nguồn nguyên liệu kết hợp với ngành công nghiệp chế biến nhằm tạo ra những dòng sản phẩm có chất lượng cao, số lượng lớn và ổn định, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hiện tỉnh có hơn 50 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản; trên 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở được cấp các giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn thực phẩm, thưc hành nông nghiệp tốt.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Đỗ Minh Tuấn cho biết các mặt hàng nông sản của tỉnh rất phong phú bao gồm sản phẩm hạt (càphê, điều, hồ tiêu, ca cao), trái cây (bưởi da xanh, nhãn xuồng cơm vàng, chuối), rau củ an toàn… cùng nhiều dòng sản phẩm nông sản khác.

Các dòng sản phẩm phát triển mạnh về số lượng lẫn chất lượng, thỏa mãn được tiêu chí khắt khe của người tiêu dùng, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tăng cường kết nối giao thương

Sản lượng và chất lượng sản phẩm ổn định, mạng lưới giao thông vận tải kết nối các vùng nguyên liệu, hàng hóa thông suốt, nhu cầu thị trường ngày càng tăng… là những yếu tố giúp Bà Rịa-Vũng Tàu có tiềm năng xúc tiến thương mại rất lớn, đặc biệt là đối với ngành hàng thủy sản và nông sản với lượng hàng hóa lớn và ổn định, phong phú về chủng loại, mẫu mã, thỏa mãn nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Sản phẩm dưa lưới trồng theo tiêu chuẩn Vietgap tại Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: TTXTĐT)

Đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định những năm qua, tỉnh không ngừng đẩy mạnh và đổi mới xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kết nối giao thương nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp cận nguồn nguyên liệu, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Tỉnh luôn chủ động cung cấp thông tin thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, tăng thị phần và tiếp cận những thị trường trọng điểm, có tiềm năng lớn trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp các huyện và thành phố của tỉnh với quy mô lớn và hiện đại gồm cửa hàng bách hóa tổng hợp, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logistics (cung ứng các dịch vụ hậu cần, kho bãi, vận tải hàng hóa) đưa sản phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng.

Liên quan hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đỗ Minh Tuấn cho hay Sở phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại; đồng thời phối hợp với các Sở: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Hãng Hàng không Vietnam Airlines để giới thiệu, kinh doanh trên các trang thương mại điện tử và chuỗi cửa hàng, kênh phân phối trong siêu thị lớn; đồng thời tạo gần 23.790 tài khoản dữ liệu số và hàng trăm gian hàng thương mại điện tử; tổ chức, vận động chủ thể sản phẩm đã được chứng nhận hoặc có tiềm năng OCOP tham dự triển lãm, hội chợ, tạo cơ hội quảng bá, xúc tiến thương mại./.

Theo TTXVN/ Vietnam+