Bảo đảm các nguồn lực lưu thông thông suốt

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tình trạng ách tắc lưu thông là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho các nguồn lực không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, để duy trì bền vững kinh tế vĩ mô.

Sau kết quả kinh tế – xã hội 9 tháng và dựa trên dự báo tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, theo ông, dự báo mức tăng trưởng của năm 2023 sẽ là bao nhiêu?

Dựa trên những yếu tố tăng trưởng cũng như những động lực tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua, tôi cho rằng tăng trưởng trong năm nay sẽ đạt khoảng 5%. Để đạt được mức tăng trưởng 5% cho cả năm 2023, quý 4/2023 sẽ phải có mức tăng trưởng đạt 7%. Mức tăng trưởng 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Thị trường trong nước được đánh giá là điểm sáng của nền kinh tế khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 vẫn duy trì tăng trưởng ở mức 9,7%, là động lực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Dưới góc độ chuyên gia, ông nhận định gì về những điểm sáng của thị trường nội địa từ đầu năm đến nay? Và theo ông việc động lực này sẽ đóng góp như thế nào để duy trì bền vững kinh tế vĩ mô?

Tôi nghĩ rằng tăng trưởng 9,7% là con số rất ấn tượng, gây ngạc nhiên vì tình hình kinh tế, đặc biệt là khu vực nội địa thời gian vừa rồi gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP thấp, đầu tư không mạnh, tổng cầu đang suy yếu… Con số này cũng cho thấy cấu trúc thị trường nội địa và tiêu dùng đang thay đổi, có những bộ phận trước đây chưa nổi lên như thương mại điện tử thì giờ đã chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tiêu dùng. Trước đây người dân thường mua bán hàng ngoài chợ, siêu thị, còn sau đại dịch, kênh thương mại điện tử ngày càng được ưa chuộng. Về cơ bản, nó sẽ không thể hiện sức mua sôi sục như mua bán trực tiếp, song nếu như yếu tố này đóng góp mạnh mẽ có nghĩa là ta phải quan tâm đến thị trường tiêu dùng ở một góc độ khác để thấy rằng thị trường tiêu dùng vẫn đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế vĩ mô. Do đó, ta phải quan tâm đến thị trường tiêu dùng ở một góc độ khác để có những chính sách kích thích phát triển trong thời gian tới.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy việc không tận dụng được thị trường nội địa chính là điểm yếu chí tử của nền kinh tế. Còn ở Việt Nam, thị trường nội địa chủ yếu là dành cho doanh nghiệp Việt Nam. Cho nên ta cần chú ý đến điều này để kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, để điểm sáng ấy thực sự đóng góp để duy trì bền vững kinh tế vĩ mô.

Còn về tổng thể, chúng ta đang bám sát được những chuyển động, thay đổi của nền kinh tế thế giới. Tôi cho rằng điểm này rất quan trọng vì nếu không thì xuất nhập khẩu và FDI – hai động lực quan trọng nhất của tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ không giữ được. Nhưng sẽ còn tốt hơn nữa nếu phần đầu tư công “bơm máu” ra được cho nền kinh tế. Nếu đầu tư công “bơm máu” chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính.

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, đảm bảo đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2023, theo ông cần tập trung thực hiện những giải pháp nào?

Nền kinh tế của chúng ta đang ở trong tình trạng ách tắc các nguồn lực, khiến chúng không thể chuyển hóa thành động lực phát triển dẫn đến “cơ thể” của nền kinh tế bị suy yếu, tổn thương và bất ổn. Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, tôi cho rằng cần xác lập các điều kiện cần thiết. Đó là, hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường…

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển đồng bộ các thị trường, đặc biệt thị trường đất đai, thị trường tài chính tiền tệ; đồng nhịp các giải pháp kinh tế, hành chính, pháp luật để không làm tổn thương kinh tế thị trường và hệ thống quản trị điều hành; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Bên cạnh đó, định hướng ưu tiên chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm. Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao. Bởi trên thực tế, quy trình xây dựng và thực chất của các chính sách và giải pháp mà Chính phủ – Quốc hội thực thi thời gian gần đây, rõ nhất là từ nửa sau năm 2022 đến nay, được triển khai theo tinh thần “tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường”. Cách tiếp cận này thể hiện đúng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực ở những mức độ khác nhau, tạo động thái phục hồi và tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế trong hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bủa vây.

Đặc biệt, tôi cho rằng có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Do vậy, phải bảo đảm “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống. Đó là: thông suốt hạ tầng (thông hạ tầng kết nối, cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm); thông thoáng cơ chế (thể chế thị trường, công khai – minh bạch, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh…); thông minh vận hành (bộ máy điều hành đồng thuận, đồng hướng, đồng nhịp, năng động, sáng tạo…).

Nhà nước cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng và vận hành thông minh, trong đó trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển. Thời gian gần đây, bên cạnh việc nỗ lực chỉnh sửa-tháo gỡ-thay đổi những trói buộc và cản trở của hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành, Đảng và Nhà nước đang rất tích cực nhận diện, định hình “chân dung mới” của nền kinh tế theo nguyên tắc hướng tới tương lai, định hướng xây dựng các nguồn lực và động lực phát triển mới. Cách lựa chọn đường lối này là đúng đắn và cần phải coi đây là cách thức chủ đạo để xây dựng và phát triển năng lực quốc gia. Việc Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 là một minh chứng điển hình cho tầm nhìn và cách tiếp cận phát triển mới của Việt Nam, đi sau những nỗ lực vượt lên tiến kịp thế giới, tiến cùng thời đại.

Xin cảm ơn ông!

Theo Haiquanonline