Theo đạo diễn Phương Điền, nghệ thuật là phải làm cho phim có ánh sáng đẹp, hình ảnh sống động, còn cảnh nóng “đúng là chỉ để câu khách”, nhưng đôi khi cần thiết.
Gần đây, không chỉ phim điện ảnh mà cả phim truyền hình cũng xuất hiện nhiều cảnh nóng. Tần suất xuất hiện những đợt bàn luận về cảnh quay tình cảm ướt át sau khi tập phim giờ vàng nào đó lên sóng ngày càng cao. Đến mức gần đây, trên mạng xã hội, ngoài sự trầm trồ, xuýt xoa, tò mò, nhiều khán giả bày tỏ sự khó chịu khi cho rằng những cảnh quay kiểu này đang bị lạm dụng. Câu “Ở đời, cái gì quá cũng đều không tốt” dường như dùng để nói về xu hướng phim truyền hình hiện nay.
Không cần “nóng” cũng… cứ “nóng”
Có vẻ cảnh nóng đang được xem là yếu tố phải có của một bộ phim ăn khách, nên một tỷ lệ lớn phim truyền hình gần đây sử dụng nó, thậm chí với tần suất cao. Có thể kể các tác phẩm như: Người phán xử, Quỳnh búp bê, Anh có phải đàn ông không, Mộng phù hoa, Tiếng sét trong mưa và mới đây nhất là Hành trình công lý. Những phân cảnh này xuất hiện nhiều trong khung giờ vàng, thời điểm các gia đình quây quần để thưởng thức chương trình hấp dẫn trên truyền hình. Lạm dụng những cảnh nhạy cảm dường như đang trở thành xu thế của phim truyền hình.
Gần đây, cảnh nóng của Việt Anh và Huyền Trang trong phim Hành trình công lý vấp phải sự chỉ trích và làm dấy lên luồng ý kiến cho rằng đã đến lúc phim truyền hình Việt tiết chế khi sử dụng chiêu hút khán giả này. Dù sử dụng góc quay xa, phim khi lên sóng đã được điều chỉnh màu để làm mờ, tránh gây phản cảm cho khán giả, nhưng việc cảnh này tái xuất hiện nhiều lần ở các tập sau khiến khán giả bực bội, cho rằng ê-kíp sản xuất cố tình lạm dụng để “câu view” chứ không phải do đòi hỏi của sự phát triển nội dung câu chuyện.
Anh có phải đàn ông là bộ phim khai thác chủ đề tình cảm gia đình được phát sóng vào khung giờ vàng trên VTV3 cách đây chưa lâu. Ngay sau khi phát sóng tập đầu tiên, bộ phim đã nhận về nhiều tranh cãi vì cảnh nóng giữa cặp vợ chồng Lệ (Việt Hoa) và Nhật Minh (Hà Việt Dũng). Trong phân cảnh này, Lệ mặc váy ngủ gợi cảm và liên tục có những hành động khiêu khích chồng mình.
Bộ phim Quỳnh búp bê thời điểm mới lên sóng những tập đầu tiên cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều vì có không ít cảnh nóng và bạo lực. Trước những phản ứng gay gắt từ khán giả, bộ phim phải tạm dừng phát cho đến khi “dán nhãn độ tuổi” và chuyển khung giờ lên sóng.
Cũng trong năm 2018, Mộng phù hoa – bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời Trần Ngọc Trà – đại mỹ nhân Sài Gòn xưa – gây phản ứng dữ dội, bởi lạm dụng yếu tố nhạy cảm. Trong vai kỹ nữ Ba Trang, Kim Tuyến phải diễn cảnh ôm hôn, chăn gối với nhiều bạn diễn như Nhan Phúc Vinh, Hoàng Anh, Quốc Trường… dù không cần thiết về mặt nghệ thuật. Không ít tình huống trong phim bị nhận xét thô, thiếu tính nghệ thuật.
Tiếng sét trong mưa – phim chiếu khung giờ vàng trên kênh truyền hình Vĩnh Long năm 2019 – từng bị chỉ trích dữ dội vì nhiều cảnh “giường chiếu”, phản ánh mối quan hệ trái với luân thường đạo lý.
Từ xưa đến nay, phim truyền hình Việt vẫn được gắn mác dành cho gia đình. Đặc biệt, với phim chiếu vào khung giờ vàng, khán giả mong muốn nó phù hợp mọi độ tuổi và an toàn với trẻ em. Vì thế, trên mạng xã hội, rất nhiều khán giả bày tỏ, họ xấu hổ và cực kỳ bối rối khi đang cùng con gái ngồi trước màn ảnh nhỏ thì cảnh nóng xuất hiện. Ngoài sự khó xử, một số người còn chê các cảnh thân mật trong phim quá nghèo nàn, thiếu tính nghệ thuật, nếu đem so với các tác phẩm truyền hình quốc tế.
Phải “nóng” mới giữ được khán giả?
Trước phản ứng của dư luận, đạo diễn Mai Hiền của phim Hành trình công lý từng lên tiếng phân bua, rằng cảnh nóng ở đây không nhằm mục đích câu khách mà có tác động quan trọng đến nội dung phim cũng như tâm lý nữ chính. Dụng ý của việc lặp lại cảnh này là xoáy vào nỗi ám ảnh của người vợ. Diễn viên Việt Anh cũng thừa nhận đây là cảnh táo bạo nhất anh từng thực hiện cho đến lúc này. Theo anh, cảnh nóng là điều bình thường trên màn ảnh, đôi khi phải có.
Từ trước đến nay, có thể nói cảnh nóng luôn là vấn đề được khán giả quan tâm. Nếu nói là để câu khách cũng không hẳn sai vì nhiều bộ phim cũng cần yếu tố này để thu hút khán giả. Còn nhớ cách đây khá lâu, bộ phim điện ảnh từng gây những phản ứng trái chiều. Người khen nghệ thuật, kẻ chê dung tục. Thế nhưng, câu chuyện về phim chiếu giờ vàng lại có nhiều cảnh nóng thì lại mang một vai trò khác chứ không hẳn chỉ là nghệ thuật.
Trong khi các phim điện ảnh chiếu rạp qua cả một hội đồng duyệt và dán nhãn hạn chế khán giả ở 3 cấp độ (cấm khán giả dưới 13, 16, 18 tuổi), phim truyền hình lại đang được thả lỏng một cách đáng lo ngại. Các nhà sản xuất chạy theo doanh thu quảng cáo và rating phim, ngày càng lạm dụng các cảnh nóng để câu khách, trong khi lại thiếu hệ thống cảnh báo của nhà đài.
Để tiếp tục tăng sức hấp dẫn của phim truyền hình Việt Nam, trước hết cần nâng cao chất lượng kịch bản. Đó là một trong những yếu tố quan trọng. Nhất là phim truyền hình, phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản, chứ không phải cảnh nóng. Không thể phủ nhận việc dùng cảnh nóng trên phim sẽ khiến bộ phim trở nên thu hút hơn. Tuy nhiên, việc chiếu trên khung giờ vàng thì cảnh nóng nên được tiết chế vừa phải, nhẹ nhàng không nên mạnh bạo như phim chiếu rạp.
Việc những bộ phim truyền hình hiện nay quá lạm dụng yếu tố nhạy cảm lại trở thành vấn đề đáng báo động. Có hay không việc các đạo diễn đang tự ti với chính tác phẩm của mình nên cảnh nóng trở thành yếu tố cần thiết để giữ chân khán giả?
“Đúng là chỉ để câu khách”
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này với VTC News, Nguyễn Phương Điền – đạo diễn của loạt phim giờ vàng như Tiếng sét trong mưa, Mẹ Rơm... cho rằng phim truyền hình ngày nay đang có nhiều cảnh nóng hơn trước, tuy nhiên vẫn ở mức cho phép.
Ông chia sẻ: “Phim truyền hình chiếu trên màn ảnh nhỏ nên tất cả cảnh nhạy cảm đều phải cân nhắc. Vì chiếu trên truyền hình nên khán giả sẽ đa dạng mọi độ tuổi, đó là điều các đạo diễn như chúng tôi phải cân nhắc. Tuy nhiên, để có thể được lên sóng giờ vàng, mỗi bộ phim sẽ phải qua nhiều khâu kiểm duyệt khắt khe. Chúng tôi có những mức quy định được hở bao nhiêu, máu me hay bạo lực bao nhiêu… nếu quá phản cảm sẽ phải cắt bỏ ngay.
Trước khi được lên sóng chiếu cho khán giả, bộ phim của chúng tôi cũng đã được ban biên tập xem đi xem lại và góp ý. Vậy nên tôi nghĩ việc những cảnh nóng đang được chiếu trên truyền hình vẫn ở mức tạm chấp nhận được. Tuy nhiên, tôi vẫn phản đối việc các đạo diễn lạm dụng cảnh nóng đưa lên phim”.
Trước câu hỏi liệu cảnh nóng trên truyền hình có được coi là nghệ thuật, nam đạo diễn phản đối: “Tôi cho rằng không thể gọi cảnh nóng trên phim truyền hình là nghệ thuật. Nghệ thuật là phải làm sao cho bộ phim có ánh sáng thật đẹp, hình ảnh sống động…, còn cảnh nóng thì đúng chỉ là để câu khách”.
Tuy nhiên, theo ông, đôi lúc phim cũng bắt buộc có cảnh nóng để phù hợp với nội dung. “Như trong bộ phim ‘Tiếng sét trong mưa’ trước đây của tôi, dù nhiều tranh cãi nhưng những phân cảnh đó cần phải có để bộc lộ được tính cách lẳng lơ của nhân vật. Hay trong ‘Mẹ Rơm’, cảnh phim cưỡng hiếp gây tranh cãi khi bị khán giả cho là loạn luân. Phân cảnh này được chúng tôi thực hiện rất nhanh. Đây cũng chỉ là phân cảnh tạo mối hiềm khích cho các nhân vật trong phim. Hơn nữa nếu khán giả xem tiếp thì sẽ có câu trả lời có phải là loạn luân hay không? Tôi nói vậy không có nghĩa là cổ suý cho việc lạm dụng cảnh nóng vì bất đắc dĩ lắm mới phải đưa vào phim”.
Đạo diễn cho biết, khi quay những cảnh nhạy cảm, ông luôn chọn góc quay thật xa và không thể để lộ điểm nhạy cảm nào. Ông cũng luôn hướng dẫn các diễn viên làm thế nào để diễn cho đạt nhưng không được tạo sự phản cảm.
Thực tế, phim hay hay dở, thu hút khán giả hay không là do câu chuyện, cách dàn dựng xuyên suốt bộ phim chứ không ở một vài cảnh nóng, bởi nếu cảnh nóng vô duyên, dàn dựng không phù hợp thì sẽ gây tác dụng ngược. Khán giả bị thu hút bởi cảnh nóng, thực tế cho thấy các cuộc bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội luôn nổ ra sau khi phim xuất hiện cảnh “nhạy cảm”, nhưng cũng chính khán giả sẽ nhanh chóng phản đối, chỉ trích khi cảm thấy sự quá đà, lạm dụng. Bởi vậy, những người làm phim cần biết thế nào là vừa đủ.
Theo đạo diễn Phương Điền, có nhiều yếu tố cần lưu ý khi quyết định sử dụng cảnh nóng: “Việc dùng cảnh nóng đúng là khiến bộ phim trở nên thu hút, gây tò mò hơn. Tuy nhiên nếu phim chiếu trên khung giờ vàng thì cảnh nóng nên được tiết chế, nhẹ nhàng và chỉ đưa vào phim khi cảnh đó thực sự là yếu tố quan trọng của bộ phim”.
Theo VTC News