Chủ tịch Phan Văn Mãi: Cơ chế đặc thù mới sẽ phát huy hết năng lực của TP.HCM

Ngày 22-10, một trong những nội dung các tổ đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận là việc tổng kết thực hiện Nghị quyết (NQ) 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ: TP.HCM quyết tâm rất cao trong việc xây dựng NQ mới để thay thế NQ 54.

Ông Phan Văn Mãi cho biết TP đang làm việc với tinh thần chủ động, khẩn trương để tạo ra sự chuyển biến tích cực đối với NQ 54 đang thực hiện, cũng như sớm hoàn thành dự thảo NQ mới để trình QH xem xét trong thời gian sớm nhất.

Việc tổng kết 10 năm thực hiện NQ 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được triển khai và có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra những định hướng chỉ đạo góp phần hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật cho phát triển TP.HCM trong những năm tiếp theo. Vì vậy, để có thêm căn cứ chính trị vững chắc trong đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật cho TP thì trước mắt nên cho phép tiếp tục thực hiện NQ 54.

Căn cứ vào hồ sơ trình của Chính phủ tại kỳ họp thứ tư, Chính phủ chưa đưa ra được những đề xuất chính sách để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, phương án tiếp tục thực hiện NQ 54 là cần thiết.

Thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách QH

Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế để nỗ lực hơn

. Phóng viên: Thưa ông, theo báo cáo của UBND TP, kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo NQ 54 còn rất khiêm tốn, trong đó có nhiều chỉ tiêu không đạt được. Chính phủ đã có tổng kết và Ủy ban Tài chính – Ngân sách QH cũng đã thẩm tra, chỉ ra các hạn chế, nguyên nhân. Theo ông, nguyên nhân mấu chốt nhất là gì?

+ Ông Phan Văn Mãi: Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày trong phiên họp QH ngày 21-10 đã tổng kết, trình bày về vấn đề này. Đặc biệt báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH đã chỉ ra rất rõ các hạn chế và nguyên nhân của việc thực hiện chưa đạt nhiều mục tiêu theo NQ 54.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm về điểm hạn chế trong quá trình thực hiện NQ 54.

Còn vài tháng nữa là hết năm năm nhưng gần như hơn một năm đầu chúng ta loay hoay xây dựng kế hoạch, quy chế, tìm kiếm sự phối hợp giữa TP.HCM và các bộ, ngành để triển khai. Vì các nội dung thí điểm đa phần đều rất mới mẻ.

Đang trong quá trình chuẩn bị thì hai năm liên tiếp (2020-2021), TP.HCM chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch COVID-19. Đó là nguyên nhân khách quan.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là sự quyết liệt đeo bám của TP trong cơ chế, chính sách đặc thù này là chưa đủ độ. Do vậy, khi gửi các kiến nghị đến các bộ, ngành xin ý kiến mà bị neo lại thì TP cũng dừng lại luôn.

Không những TP.HCM chưa quyết liệt mà sự hỗ trợ của các bộ, ngành cũng chưa đủ. Đây là điểm mà khi tổng kết năm năm thực hiện NQ 54, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận. Qua đó, để TP.HCM nỗ lực lên và để các bộ, ngành cũng ủng hộ nhiều hơn.

Đồng thời, các bộ, ngành cũng xem đây không chỉ là việc của riêng TP để tháo gỡ vướng mắc các cơ chế này nhằm giúp TP có điều kiện phát triển. Từ sự phát triển của TP sẽ đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Đây là điểm mà khi phân tích, đánh giá, Ủy ban Tài chính – Ngân sách QH đã thẳng thắn chỉ ra rất rõ trong báo cáo thẩm tra trước QH.

Hai nhóm việc lớn TP sẽ tập trung trong năm 2023

TP.HCM kiến nghị QH gia hạn thời gian thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo NQ 54 đến ngày 31-12-2023. Trong vòng một năm, liệu TP có đủ thời gian để đạt được các chỉ tiêu đặt ra theo NQ 54 không, thưa ông?

+ Khi TP xin gia hạn thêm thời gian một năm để thực hiện thí điểm, chúng tôi mong muốn duy trì sự liên tục các chính sách đang thí điểm, đảm bảo không tạo ra “khoảng hở chính sách” trong thời gian xây dựng NQ mới để thay thế NQ 54. Vì thực tế có những nội dung đang thực hiện theo NQ 54 phát huy hiệu quả rất tốt.

Việc quan trọng nhất trong khoảng thời gian được gia hạn là TP tập trung hết sức để hoàn thiện dự thảo NQ mới thay thế NQ 54 để trình QH xem xét trong kỳ họp sớm nhất. Vì vậy, một năm là khoảng thời gian cần thiết để TP chuẩn bị tốt nhất cho dự thảo mới, chứ không phải là để đạt hết tất cả chỉ tiêu theo NQ 54.

Nếu được QH cho phép thì trong thời gian một năm còn lại, TP sẽ làm những gì, thưa ông?

+ Nếu được QH cho phép gia hạn thêm một năm thí điểm thì TP có hai nhóm việc cần phải tập trung thực hiện từ nay đến hết ngày 31-12-2023. Nhóm thứ nhất, TP sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung đã triển khai thuận lợi và có kết quả tốt trong thời gian qua. Chẳng hạn như tăng thu cho cán bộ, công chức của TP.

Đối với các nội dung thực hiện một phần hoặc đang gặp khó khăn thì TP sẽ rà soát chọn vấn đề trọng tâm để làm. Ví dụ như đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha, TP.HCM sẽ rà soát để tập trung triển khai và trong năm tới sẽ phải có những diễn biến rõ nét ở những dự án cụ thể.

Cùng với đó, TP cũng rà soát tài sản công của các cơ quan trung ương trên địa bàn TP. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan có liên quan để xúc tiến được một số tài sản công nhất định trong vòng một năm đó.

Liên quan đến vấn đề thu hút nhân tài, TP sẽ thu hút thêm nhiều người tài trong năm 2023 thông qua việc hoàn thiện thêm tiêu chí về thu hút nhân tài. Đây là nội dung trong thời gian qua TP nhận diện đúng nhưng thực hiện chưa đạt.

Dự thảo NQ thay thế tập trung vào bảy nội dung

. Còn nhóm việc thứ hai hẳn là TP sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện nội dung NQ mới để thay thế NQ 54 phải không, thưa ông?

+ Đúng vậy! Đến giờ này chúng tôi cũng đang rất khẩn trương hoàn thiện dự thảo. Dự kiến trong tháng 11, TP sẽ có báo cáo lần đầu cho Đảng đoàn QH để từ đó có định hướng cho các bước chuẩn bị sắp tới. Chúng tôi phấn đấu báo cáo sớm cho Bộ Chính trị để đến kỳ họp QH gần nhất sẽ trình nội dung này, chứ không chờ đến kỳ họp cuối năm 2023.

Dự kiến NQ mới sẽ tập trung vào bảy nội dung: Một là cơ chế, chính sách về đầu tư. Hai là tài chính, ngân sách. Ba là tổ chức bộ máy và biên chế. Bốn là về quản lý đô thị, đất đai. Năm là quản lý xã hội. Sáu là cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức. Bảy là một số cơ chế, chính sách cho Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm.

Với những nội dung toàn diện, sát thực tiễn của TP.HCM, nếu được QH thông qua, NQ về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù mới sẽ là đòn bẩy đặc biệt quan trọng giúp TP.HCM phát huy hết năng lực của một đô thị đặc biệt. Qua đó, đóng góp nhiều hơn cho cả nước với tinh thần TP.HCM “vì cả nước, cùng cả nước”.

. Xin cám ơn ông.

Xin ý kiến bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới
Tinh thần của NQ thí điểm là để tạo ra sự đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn và phân cấp, phân quyền cho TP rõ trách nhiệm hơn.
Các vấn đề TP đề nghị thí điểm hoặc nhận thí điểm là các vấn đề rất mới trong thực tiễn của TP.HCM, chưa có trong các luật. Hoặc cũng có những vấn đề luật có quy định nhưng chưa đầy đủ, hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với tình hình thực tiễn của TP, hoặc còn nhiều nội dung chồng chéo.
Vào tuần sau, trên cơ sở các nội dung đã chuẩn bị trong thời gian qua cũng như các cuộc làm việc với các bộ, ngành gần đây, TP.HCM đang hoàn thiện dự thảo và đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo NQ mới.
Theo đó, các vấn đề liên quan đến đầu tư, TP.HCM sẽ xin ý kiến của Bộ KH&ĐT. Liên quan đến tài chính – ngân sách và trung tâm tài chính quốc tế thì xin ý kiến của Bộ Tài chính. Vấn đề tổ chức bộ máy, biên chế và cơ chế cho TP Thủ Đức thì xin ý kiến hai bộ Nội vụ và Tư pháp. Về đô thị thì xin ý kiến Bộ Xây dựng. Riêng vấn đề đất đai thì TP đã làm việc với bộ trưởng và thứ trưởng Bộ TN&MT mới đây và đã được lãnh đạo bộ thống nhất.
Với tinh thần đó thì đến ngày 31-12-2023 là coi như thời hạn chậm nhất TP phải có NQ thay thế NQ 54. Mong rằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng với tinh thần khẩn trương, TP mong muốn được QH thông qua trong kỳ họp QH gần nhất để TP sớm được bắt tay vào thực hiện NQ mới.

Theo Plo