Gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ từ thuở đầu mở đất, Đờn ca tài tử đã trở thành hơi thở, báu vật của vùng sông nước miền Nam.
Đờn ca tài tử xuất hiện tại phương Nam từ rất sớm, nhưng có lẽ đến khi Cao Văn Lầu viết bài “Dạ cổ hoài lang” tại tỉnh Bạc Liêu năm 1919 thì đờn ca tài tử Nam Bộ mới bài bản. Vì vậy mà theo nhiều người, đờn ca tài tử có nguồn gốc từ tỉnh Bạc Liêu. Đờn ca tài tử thường chơi đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn độc huyền (hay đờn bầu) và song lang (nhạc cụ bằng gỗ dùng chân gõ nhịp) hoặc cả đờn guitar phím lõm.
Ngày 5/12/2013, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO, đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã được công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Qua từng câu hò điệu lý, đờn ca tài tử như lời thổ lộ tiếng tơ lòng, sức sống mãnh liệt của bà con Nam bộ, mang đặc trưng văn hóa và đậm đà tính nhân văn vùng sông nước nơi đây. Đờn ca tài tử cần có những không gia văn hóa của riêng mình, để lưu giữ và truyền bá cái hồn đất phương Nam cho thế hệ trẻ mai sau. Vì lẽ đó mà đờn ca tài tử đang được định hướng để trở thành một sản phẩm du lịch.
Tại TP.Hồ Chí Minh, hiện đang có hai địa chỉ thực hiện việc kết hợp đờn ca tài tử với các hoạt động khác, nhằm đưa loại hình này trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng.
Vào ngày Rằm hằng tháng, Bảo tàng Áo dài Việt Nam (thành phố Thủ Đức) tổ chức chương trình ngắm trăng, nghe đờn ca tài tử, kết hợp thưởng thức bánh quê, cháo đậu… Qua hai lần thử nghiệm, số lượng khách tham dự đã tăng lên đáng kể. Sắp tới, Bảo tàng sẽ đưa đờn ca tài tử vào kết hợp các phiên chợ quê để tổ chức vào các dịp cuối tuần. Ngoài việc xem biểu diễn, khách còn có thể hát chung với các nghệ sỹ hoặc học hát đờn ca tài tử.
Khu Du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh) cũng đưa đờn ca tài tử kết hợp với chương trình thưởng thức ẩm thực vào cuối tuần. Hoạt động này nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía du khách khi đến tham quan tại đây.
Vấn đề nhân lực là điều không thiếu để phát triển đờn ca tài tử tại TP.HCM. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, năm 2020, tại thành phố có 292 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử với tổng số 3.017 thành viên, trong đó chỉ có bốn Nghệ nhân Ưu tú, hai Nghệ nhân Nhân dân. Việc tập hợp được những người có đủ năng lực, đam mê, nhiệt huyết để cùng phát triển lại khá nan giải bởi đờn ca tài tử không mang lại thu nhập, các nghệ nhân chỉ có thể tham gia biểu diễn vào buổi tối hoặc những khi có thời gian.
Theo Nghệ nhân Út Châu – người hiện đang cộng tác với Bảo tàng Áo dài Việt Nam, để xây dựng các mô hình đờn ca tài tử, cần giữ đúng giá trị của loại hình này trong việc đi kèm với việc thưởng thức ẩm thực, ngắm cảnh. Các địa điểm du lịch sinh thái cuối tuần quen thuộc của người dân thành phố tại huyện Củ Chi, Nhà Bè hay Cần Giờ đều có nhiều tiềm năng.
Ông Trương Minh Hậu, Phó Giám đốc Làng du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh) cho rằng, chất xúc tác cần có là làm thế nào để gắn kết, khai thác giá trị văn hóa của đờn ca tài tử trong từng sản phẩm du lịch. Trong đó, việc hiểu văn hóa của vùng đất, con người Nam bộ thông qua đờn ca tài tử cũng là một hình thức xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo của du lịch thành phố cũng như vùng sông nước Nam Bộ.
Theo TS Lê Hồng Phước, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, các không gian phù hợp với đờn ca tài tử có thể là những khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Bên cạnh đó, cần tạo thói quen nhận diện cho công chúng, du khách về hoạt động đờn ca tài tử tại TP Hồ Chí Minh. Đơn cử như tại trung tâm thành phố, khu đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1), nên dành một không gian cho đờn ca tài tử để các câu lạc bộ hoạt động luân phiên, cũng là cách làm tăng sự nhận diện.
Thành phố cũng có thể xây dựng một chương trình biểu diễn nghệ thuật, lấy đờn ca tài tử làm chất liệu chính để phục vụ ở các không gian trung tâm. Thực tế, một số chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội đã từng có những tiết mục đờn ca tài tử được dàn dựng rất công phu, hoành tráng, có thể là nguồn chất liệu tốt để tiếp tục khai thác.
Tuy nhiên, hiện tại không nhiều đơn vị mặn mà đầu tư với loại hình này. Bà Huỳnh Ngọc Vân, Bảo tàng Áo dài Việt Nam cho biết, không khó hiểu khi các đơn vị khai thác du lịch không dám mạnh tay do việc phát triển đờn ca tài tử tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn thiếu chiến lược, thiếu sự liên kết khiến cho các hoạt động bị rời rạc. Để phát triển, cần xác định phát triển mô hình này với mục tiêu gìn giữ di sản chứ chưa thể nghĩ đến lợi nhuận. Nếu đơn vị tư nhân thực hiện cần kiên trì, bình tĩnh và phải thực sự có tâm huyết.
Bên cạnh đó cũng cần phải quan tâm đến vấn đề tuyên truyền, quảng bá. Để quảng bá, trước tiên phải có sản phẩm tốt. Về vấn đề này, ThS Phạm Thái Bình, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cán bộ Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, muốn phát triển đờn ca tài tử cần có đơn vị đầu tư, có kế hoạch, huy động các nguồn lực.
Vân Anh