Hơn 54.000 doanh nghiệp, đơn vị tại Hà Nội chậm đóng BHXH từ 1 tháng trở lên

THĐS- BHXH Thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BH tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (chậm đóng BHXH) từ 1 tháng trở lên.

“Dẫn đầu” danh sách chậm đóng BHXH và có số nợ “khủng” là các doanh nghiệp, đơn vị: Công ty cổ phần Anh ngữ APAX (Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, Hà Nội), chậm đóng 44 tháng, với số tiền hơn 55 tỉ đồng; Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment (Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội), chậm đóng 40 tháng, với số tiền gần 34 tỉ đồng; Công ty Cổ phần cầu 12 (Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội), chậm đóng 78 tháng, hơn 29 tỉ đồng; Chi nhánh Công ty Cổ phần ôtô Xuân Kiên VINAXUKI – Nhà máy sản xuất ôtô số 1 Mê Linh, Hà Nội (P501, tòa nhà Viglacera, số 2 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) chậm đóng 136 tháng, hơn 24 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Sông Đà 6 (Văn Khê, La Khê, Hà Đông, Hà Nội) chậm đóng 41 tháng, 21 tỉ đồng; Công ty CP Cơ Khí Xây Dựng 121 – CIENCO1 (số 2 đường Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) chậm đóng 119 tháng, 20 tỉ đồng;

Người lao động Công ty khoá Minh Khai trình bày việc họ bị doanh nghiệp nợ BHXH với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh chụp tháng 7.2022: Hà Anh

Công ty Cổ phần sữa Hà Nội (Km9, Bắc Thăng Long, Nội Bài, Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) chậm đóng 34 tháng, gần 20 tỉ đồng; Công ty CP 116 – CIENCO 1 (số 2 phố Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) chậm đóng 151 tháng, 19,5 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục IGARTEN (360 Giải Phóng, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) chậm đóng 20 tháng, hơn 18 tỉ đồng; Công ty Cổ phần khóa Minh Khai (Km14 QL1A Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) chậm đóng 112 tháng, hơn 13 tỉ đồng…

Các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Ảnh: BHXH VN

Các giải pháp khắc phục, hạn chế chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn đã và đang được ngành BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt.

Theo đó, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương phải thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sử dụng lao động để có giải pháp phù hợp, tương ứng với từng đơn vị cụ thể. Chú trọng theo dõi, xây dựng cơ sở dữ liệu những đơn vị có nhiều lao động, số tiền thu lớn nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng kéo dài, hoặc chậm đóng với số tiền lớn.

Chỉ đạo lãnh đạo BHXH các địa phương cử cán bộ trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc thu kịp thời khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, lập biên bản yêu cầu đơn vị đóng BHXH, BHYT đúng quy định. Hằng tháng thông báo cho đơn vị kết quả đóng BHXH, BHYT tháng trước và số tiền dự kiến phải đóng trong tháng để đơn vị biết được tổng số tiền phải đóng.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất, phát hiện kịp thời tình trạng trốn đóng, cương quyết xử phạt hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH 2014. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH, BH thất nghiệp đối với các đơn vị sử dụng lao động có hành vi vi phạm về chậm đóng BHXH, BHYT.

Ngoài ra, cơ quan BHXH các cấp cũng đang chủ động thực hiện điều tra, khảo sát; phối hợp chặt chẽ với ngành liên quan ở địa phương để thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động.

Cơ quan BHXH cũng đã chủ động chia sẻ thông tin về chậm đóng BHXH, BHYT của doanh nghiệp với cơ quan Thuế theo quy chế phối hợp và đề nghị cơ quan Thuế, cơ quan Thanh tra ở địa phương phối hợp thực hiện các cuộc thanh tra liên ngành. Đồng thời, chuyển hồ sơ những đơn vị không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra đến cơ quan công an và kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Cùng với đó, thường xuyên công khai danh sách các doanh nghiệp chậm đóng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương…

theo laodong.vn