Liên kết đưa nông sản ra thế giới giúp nông sản Việt Nam trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế cao

Việc liên kết, đầu tư bài bản cho chất lượng để tạo vùng nguyên liệu đạt chuẩn cho xuất khẩu đã giúp nhiều loại nông sản đã thoát khỏi cảnh bấp bênh cả về giá cả và đầu ra, trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế cao.

Giá trị kinh tế của cây nha đam được nâng cao rõ rệt nhờ sự liên kết với doanh nghiệp trong chế biến xuất khẩu. Ảnh: N.H

Yên tâm đầu vào, ổn định đầu ra

Nha đam là một trong số ít loại cây trồng thích nghi được với điều kiện khắc nghiệt của vùng đất nắng gió Ninh Thuận, nhưng trước đây, giá trị kinh tế của cây nha đam ở mức rất thấp. Dù dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng do không có đầu ra, giá bán lại “rẻ như cho” nên chẳng mấy ai có hứng thú với loại cây này. Thế nhưng, từ khi Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm) – thành viên của GC Food Group, xây dựng nhà máy tại đây vào năm 2014, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc nha đam theo tiêu chuẩn xuất khẩu và bao tiêu đầu ra, vị thế của cây nha đam tại Ninh Thuận đã thay đổi rõ rệt.

Từ vài hộ ban đầu, đến nay đã có hơn 200 hộ ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm ký hợp đồng liên kết với VietFarm. Thu nhập trung bình của mỗi hộ dân nay đã đạt đến con số từ 8-20 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây ngắn ngày khác. Sống được và sống tốt nhờ trồng nha đam nên người dân nơi đây an tâm tập trung sản xuất mà không phải lo ngại về vấn đề giá cả và đầu ra.

Năm 2022, GC Food đã xuất khẩu được 12.000 tấn nha đam, tăng trưởng 20% so với năm 2021, trị giá 6 triệu USD. Theo chia sẻ của DN này, với kim ngạch xuất khẩu của năm 2022, GC Food đang chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nha đam của Việt Nam trong phân khúc thực phẩm và đồ uống.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT G.C Food cho biết, để tạo được mối liên kết bền chặt với nông dân, bên cạnh những cam kết về đầu ra sản phẩm, giá cả thu mua…, công ty thường xuyên cử chuyên gia tới hướng dẫn, phổ biến quy trình canh tác mới, ít bón phân và không phun thuốc, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt năng suất cao. Điều này giúp nhà máy có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn cho sản xuất, nông dân được đảm bảo đầu ra, đời sống ổn định.

Tương tự cây nha đam ở Ninh Thuận, cây chuối tại Đồng Nai cũng từng trải qua không ít lần phải giải cứu do “được mùa, mất giá”. Nhưng nhiều nông dân tại đây đã xoay chuyển được tình thế nhờ việc liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu. HTX Thanh Bình (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) là một ví dụ điển hình, với diện tích khoảng 120 ha, trái chuối của Thanh Bình đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình hình xuất khẩu chuối rất thuận lợi, đặc biệt với thị trường Trung Quốc. Nhờ đó, giá chuối năm nay ở mức rất cao, đạt 12.000-14.000 đồng/kg và dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng lên.

Nâng cao giá trị

Đóng gói sản phẩm nha đam chế biến tại nhà máy VietFarm. Ảnh: N.H

Ổn định đầu ra và nâng cao giá trị nông sản chính là lợi ích đã được ghi nhận từ hiệu quả thực tế của việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu thời gian qua. Như tại Nhà máy VietFarm của GC Food, công suất hiện ở mức 35.000 tấn/năm. Với dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại, mỗi ngày công ty có thể chế biến 200 tấn lá nha đam. Ngoài chế biến ra thạch nha đam với nhiều hương vị khác nhau, VietFarm còn cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty lớn trên cả nước. Sản phẩm nha đam của VietFarm cũng đã xuất khẩu thành công tới 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…

Trong năm 2023, GC Food cũng đã kín hợp đồng cả năm với các đối tác. “GC Food không lo thiếu đơn hàng mà điều đáng lo nhất là thiếu nguyên liệu. Theo đó, từ 130 ha đang liên kết với nông dân, trong năm nay, công ty dự định sẽ phát triển lên 200 ha để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy” – ông Nguyễn Văn Thứ cho biết.

Ông Thứ còn đặt tham vọng trong 3 năm tới sẽ trở thành nhà cung cấp sản phẩm nha đam lớn nhất khu vực và 10 năm tới sẽ đạt doanh thu 100 triệu USD/năm, là nhà sản xuất nha đam lớn nhất thế giới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, công ty đang nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư sang lĩnh vực hóa mỹ phẩm.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình cho biết, định hướng sản xuất sạch được áp dụng ngay từ những ngày đầu thành lập HTX. Theo đó, các chất thải hữu cơ trong sản xuất được tận dụng làm phân bón lại cho vườn chuối. Bên cạnh xuất khẩu trái chuối tươi, HTX Thanh Bình còn đầu tư nhà sơ chế, chế biến cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch chuối, máy chế biến nông sản khô, máy chế biến dẻo các loại nông sản, hệ thống kho lạnh để làm sản phẩm chế biến từ chuối.

Ông Hùng còn cho biết, nhiều khách hàng biết đến HTX Thanh Bình qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sau đó tìm tới mua chuối tươi của HTX. Như vậy, các sản phẩm từ phụ phẩm đã giúp bổ trợ, gia tăng thêm khách hàng, mở rộng thị trường cho trái chuối tươi của HTX.

Đặc biệt, những phụ phẩm vốn bỏ đi như: bẹ chuối, xơ, sợi chuối sấy khô cũng được tận dụng để làm ra các sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường tiêu thụ tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện những mặt hàng này cũng đã được xuất khẩu đi châu Âu và sắp tới sẽ mở rộng sang thị trường Trung Đông, châu Á… Qua đó, gần như toàn bộ cây chuối đều được tận dụng, giúp gia tăng giá trị cho cây chuối, tăng thêm thu nhập cho nông dân.

 

Huỳnh Anh tổng hợp