Ngành F&B mở rộng quy mô

Theo đánh giá của các chuyên gia, lĩnh vực thực phẩm, đồ uống (F&B) và bán lẻ đang có chiều hướng phát triển mạnh.

Dự báo quy mô thị trường ngành F&B tại Việt Nam sẽ đạt 678 triệu USD, với tổng số người tiêu dùng đạt 17,1 triệu người vào năm 2025 và thị trường bán lẻ sẽ đạt 82,7 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2026. Đặc biệt, ngành F&B đang nỗ lực hợp tác, phát triển và mở rộng quy mô ra các nước trong khu vực.

Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2022 ước đạt 486,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung từ đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này minh chứng nhu cầu tiêu dùng trong nước đã hồi phục, giúp doanh thu bán lẻ hàng hóa các mặt hàng thực phẩm đồ uống tăng trưởng mạnh, góp phần vào kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp. Dự báo trong tháng cuối năm, nhất là vào các dịp lễ, tết sắp tới, thị trường sẽ bùng nổ mạnh, là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng.

Là một trong những doanh nghiệp có thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam, Nutifood được tạp chí hàng đầu về lĩnh vực kinh doanh – Forbes Việt Nam bình chọn trong top 25 thương hiệu F&B dẫn đầu năm 2022. Trong 20 năm phát triển, không chỉ liên tục tiên phong ra mắt các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu của cộng đồng, Nutifood còn không ngừng nghiên cứu, cung cấp các giải pháp dinh dưỡng được đặc chế cho từng nhóm khách hàng khác nhau, tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe và khả năng tài chính. Chiếm lĩnh được thị trường trong nước, Nutifood đang hướng đến mục tiêu trở thành công ty dinh dưỡng hàng đầu châu Á.

Trong những năm gần đây, Nutifood đẩy mạnh đầu tư vào Thụy Điển, quốc gia nổi tiếng với những chuẩn mực khắt khe về sản xuất và chất lượng thực phẩm. Năm 2019, công ty trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên sở hữu nhà máy sản xuất sữa tại đây. Năm 2021, công ty tiếp tục thành lập Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển (NNRIS) để đón đầu công nghệ dinh dưỡng thế giới phục vụ cho người tiêu dùng.

Năm 2022, Nutifood “chơi lớn” khi M&A thành công Cawells, công ty uy tín Thuỵ Điển, sở hữu danh mục 120 sản phẩm sức khỏe dành cho trẻ em và người cao tuổi, người luyện tập thể thao… Thương vụ này giúp Nutifood chính thức bước chân vào lĩnh vực mới – thực phẩm bổ sung và trở thành một trong các doanh nghiệp Việt hiếm hoi thành công trong việc “đem chuông đi đánh xứ người”.

Bác sĩ Mai Thanh Việt, Phó tổng giám đốc Nutifood cho biết, thị trường F&B rất tiềm năng, doanh nghiệp đã đầu tư và sở hữu nhiều nền tảng công nghệ hàng đầu giúp tạo ra những giải pháp dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế và đủ sức chinh phục các thị trường khó tính nhất. Trong tháng 10/2022, Nutifood đã đạt nhiều giải thưởng danh giá. Điều này khiến Nutifood thêm tự tin trong hành trình vươn ra thế giới.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong tương lai, sẽ ngày càng nhiều người dân chuyển sang sử dụng các nền tảng TMĐT, các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến đang có nhiều cơ hội lớn để phát triển. Theo đánh giá của Gojek, tình hình kinh doanh của các cửa hàng trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của công ty đang có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh trong những tháng gần đây. Hầu hết các cửa hàng trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood tăng gần gấp 3 đến 5 lần so với cùng kỳ năm 2021, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trên thực tế, khả năng kiểm soát đại dịch hiệu quả của Việt Nam cũng giúp doanh số bán lẻ ngành F&B và dịch vụ hồi phục trong những tháng cuối năm. Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, cộng thêm nhu cầu thay đổi của khách hàng thành thị trẻ đang thúc đẩy sự tăng trưởng đáng kể của các kênh bán lẻ cũng như sự phát triển nhanh chóng của TMĐT.

Theo công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, ngành F&B tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng 8,65% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2026. Chi tiêu cho F&B hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng, ở mức 35%. Người tiêu dùng trong nước sẽ duy trì sức mua mạnh mẽ đối với mặt hàng thiết yếu bao gồm thực phẩm, đồ uống. Qua đó, các doanh nghiệp trong ngành F&B sẽ có nhiều cơ hội mở rộng quy mô cũng như tăng doanh số trong thời gian tới.

Ông Jimmy Ong, Tổng Giám đốc Good Food chia sẻ, cùng với sự hồi phục của thị trường, nhiều cơ hội cho ngành F&B trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng rất quan tâm đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó các doanh nghiệp trong ngành F&B cần phải hướng đến những sản phẩm chất lượng cũng như đảm bảo an toàn. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Với tiềm năng lớn, thị trường F&B Việt Nam cũng đang là đích đến của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Thoibaonganhang