Từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch, triều cường dâng cao cộng với thời tiết mưa nhiều khiến các hộ trồng hoa lo lắng.
Theo ông Đoàn Hữu Bốn, Giám đốc HTX Hoa kiểng Bình An (phường Long Hoà, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ), các xã viên trồng khoảng 20 chủng loại, trong đó nhiều nhất là cúc mâm xôi, cúc Đài Loan và cát tường để phục vụ thị trường Tết Quý Mão năm 2023.
“Mấy tuần nay, mưa rất lớn kết hợp với triều cường nên nhiều hộ dân phải tốn chi phí nâng giàn để trồng hoa trong chậu. Ngoài ra, giá vật tư nông nghiệp tăng cũng làm đội chi phí cho nhà vườn”, ông Bốn nói.
Sa Đéc là vựa hoa lớn cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và cả nước. Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), dự kiến diện tích hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán năm nay khoảng 100ha, bao gồm các loại như: cúc các loại, hồng các loại, mai, cát tường, vạn thọ, hạnh, lan… So với năm ngoái, diện tích xuống giống tăng 40ha so với năm 2022. Năm nay, nguyên liệu đầu vào tăng cao như: phân rơm, phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của ngành hàng hoa kiểng vụ Tết Nguyên đán 2023.
Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp đã chuẩn bị hơn 600.000 cây, tập trung 4 loại cây chủ lực gồm: hoa chuông (5 màu, dạng hoa kép), cây đồng tiền (7 màu cơ bản), cây cúc (10 giống), cây dạ yến thảo (7 giống). Đến nay, Trung tâm đã cung ứng các giống hoa cúc đồng tiền, lan ý mỹ, cúc mini, dạ yến thảo, hoa chuông cho nông dân. Thời gian qua, Trung tâm cũng nhân giống thành công 20 chủng loại gồm: cúc, hoa chuông, dạ yến thảo, đồng tiền (cao và mini), nhân hoa, cúc họa mi, lan dendro, lan ngọc điểm gieo hạt, thạch thảo, lan ý, sống đời kép, vạn lộc, hoa hồng, dứa, cẩm chướng, phát tài, lưỡi hổ; ngãi đen, dâu tây, chuối già Nam Mỹ…
Ông Đặng Thanh Hải, Phó Giám đốc Hợp tác xã hoa, kiểng Tân Quy Đông (TP Sa Đéc) cho biết, hiện tại khoảng 100% thành viên đã xuống giống hoa, kiểng chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán 2023, với các chủng loại như: hồng, cúc đồng tiền, cúc Tiger, cúc Đài Loan…
Làng hoa Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) là một trong những nơi cung cấp số lượng hoa cho thị trường Tết. Những ngày qua, các nhà vườn cũng tất bật cho vụ hoa Tết. Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho biết, Tết Nguyên đán năm nay, địa phương cung cấp từ 9 triệu đến 10 triệu sản phẩm các loại ra thị trường, bao gồm: mai, tắc, hoa giấy, cúc các loại, lá màu… Vụ hoa Tết năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hộ dân không đánh liều trồng nhiều. Vì vậy năm nay, các nhà vườn tập trung vốn liếng để sản xuất với hy vọng thắng lớn.
“Tôi trồng 500 chậu mai, dự kiến giá bán từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng/chậu tuỳ lớn, nhỏ. Hy vọng loại cây cảnh này sẽ hút hàng vào vụ Tết năm nay”, nhà vườn Nguyễn Văn Đấu (ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) nói.
Ngoài hoa Tết, ĐBSCL cũng nổi tiếng với mặt hàng trái cây tạo hình “độc lạ”. Anh Huỳnh Thanh Tâm (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết sản phẩm Tết tạo hình sẽ có các loại như: dừa in chữ tài-lộc, bưởi thỏi vàng, dưa hấu thỏi vàng. “Tôi đang cân đối làm thêm khuôn dưa hấu nên chưa biết tổng sản lượng các sản phẩm là bao nhiêu nhưng bưởi và dưa khoảng vài trăm trái. Năm nay, tôi đầu tư để hoàn thiện khuôn và đi tỉnh khác hợp tác với HTX để tạo hình nên chi phí tăng”.
Tết năm nay, ông Võ Trung Thành (ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) là “cha đẻ” của bưởi hồ lô cũng dự kiến sản xuất khoảng 200 trái. “Tôi hợp tác với nhà vườn hoặc mua trái bưởi Năm Roi của một vài hộ dân ở Vĩnh Long rồi vào khuôn. Do đất bạc màu, cây bưởi bị lão hoá nên tìm bưởi đẹp tạo hình rất khó. Tuy vậy, giá bán vẫn giữ ổn định như mọi năm để kéo khách hàng”.
Theo CAND