‘Niềm tự hào’ người lính tỏa sáng qua những tác phẩm nghệ thuật

Chương trình nghệ thuật “Dấu ấn thời đại” của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã đặt một dấu ấn lớn, khó phai mờ trong trái tim đồng đội, đồng chí, nhân dân – những người yêu mến nền nghệ thuật quân đội nước nhà.

Tác phẩm múa “Niềm tự hào” do biên đạo, NSƯT Bùi Công Hải dàn dựng – Ảnh: VGP/Trần Khánh Nhật

Dưới sự chỉ đạo nội dung của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, chương trình nghệ thuật “Dấu ấn thời đại” với thời lượng 90 phút, gồm 2 chương “Những bước chân người lính” và “Chạm vào vinh quang” vừa diễn ra tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Chương trình dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh, Giám đốc Nhà hát; tổng đạo diễn là Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Trần Quốc Đạt, Phó Giám đốc Nhà hát… đã đưa khán giả đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác, với đủ màu sắccó nhẹ nhàng, sâu lắng, có chất thép, có bi tráng, có hào hùng.

Đây là “Niềm tự hào” của một bản hùng ca dựng nước, giữ nước trải dài từ quá khứ đến hiện tại, chạm vào tương lai vinh quang, sáng lạn; có dấu ấn của quân dân như “cá với nước”, có đồng đội, đồng chí từ khắp mọi miền Tổ quốc tụ hội về.

Hợp ca nam nữ – múa “Dưới quân kỳ quyết thắng” thể hiện khí thế hào hùng của QĐND Việt Nam – Ảnh: VGP/Trần Khánh Nhật

Chương trình nghệ thuật với 3 hợp phần ca múa nhạc hài hoà, quyện lẫn vào nhau tạo nên một mạch cảm xúc xuyên suốt toàn bộ chương trình.

Mở đầu bằng tác phẩm “Niềm tự hào” do biên đạo, NSƯT Công Hải dàn dựng trên nền âm nhạc của nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn, thông qua ngôn ngữ múa đã tái hiện lại toàn bộ những dấu mốc lịch sử chói lọi, những chiến công lẫy lừng của QĐND Việt Nam một cách chân thực, sống động nhất.

Tác phẩm “Vòng bất tử” của biên đạo Tiến Thanh cũng lấy đi nhiều nước mắt của người xem. Những động tác múa thuần thục, chắc nịch, mạnh mẽ, rõ ràng thể hiện sự kiên cường, chiến đấu và anh dũng hy sinh, quyết tử để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên vùng biển đảo quê hương. 

Tác phẩm “Hoa thép” của biên đạo Phi Trường, âm nhạc Đỗ Việt Thắng do tốp nữ múa Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội thể hiện đã đưa người xem đến với vùng đất chỉ có nắng, gió, cát bỏng ở chảo lửa Nam Sudan, những hy sinh thầm lặng của người lính gìn giữ hoà bình ở các bệnh viện dã chiến – những người giàu lòng nhân ái, tận tâm.

Cả 3 tác phẩm múa khai thác những khía cạnh khác nhau, từ chủ đề rộng lớn là sự hình thành, phát triển của QĐND Việt Nam, đến những cống hiến, hy sinh thầm lặng của lực lượng hải quân, hay lực lượng gìn giữ hoà bình, nhưng nổi bật lên trong các tác phẩm vẫn là niềm tự hào vô bờ bến khi được là người lính, vững chãi chọn lựa và dấn thân không lùi bước.

Một mảng nghệ thuật khác đậm chất lính, được thổi vào đó hơi thở của đời sống, của lao động, của tình quân dân, chính là các tác phẩm âm nhạc, mà phần lớn trong đó được sáng tác, dàn dựng và biểu diễn bởi chính các chiến sĩ, nghệ sĩ Nhà hát. Các tác phẩm được lựa chọn có ngôn ngữ đẹp, mang âm hưởng của nhiều vùng miền trên cả nước. 

Bắt đầu bằng âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ với tác phẩm “Nhịp quân hành mùa xuân” của nhạc sĩ Trần Quốc Đạt đã cho ta thấy một cuộc sống thường nhật đầy màu sắc với những dấu chân người lính từ miền hải đảo xa xôi, đến vùng cao biên giới. Ca sĩ Thanh Tài mang đến một tác phẩm có âm hưởng đậm chất dân ca miền Trung “Qua miền thương nhớ” của nhạc sĩ Xuân Thuỷ, lời thơ Cảnh Nhạc.

Đơn ca nữ: “Dưới mái hiên nhà” do ca sĩ Hồng Duyên trình bày – Ảnh: VGP/Trần Khánh Nhật

Hồng Duyên lại cống hiến một tác phẩm đậm chất chèo của Trần Khánh Ly “Dưới mái hiên nhà” – từ tạo hình đến giọng hát, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng cuốn hút khán giả, cảm nhận tình cảm yêu thương của mẹ, nguyện cùng con nuôi dưỡng ước mơ “sau này hành quân theo tiếng gọi”, một đời hiên ngang với màu áo xanh.  

Chương trình nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội khép lại bằng hợp ca nam nữ – múa “Dưới quân kỳ quyết thắng” mang đến khí thế hào hùng của QĐND Việt Nam. Tiết mục được dàn dựng công phu, tạo nên một khối đoàn kết thống nhất, một vẻ đẹp lay động lòng người, truyền tải những thông điệp nhân văn về người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.

Chỉ đạo nghệ thuật của đêm diễn đã thật sáng tạo khi đẩy bản hoà tấu “Núi sông hoà nhịp”, sáng tác và phối khí của nhạc sĩ Cao Xuân Dũng xen lẫn giữa những tác phẩm múa, hát, đưa những người “nghệ sĩ thầm lặng” ra với công chúng yêu nhạc. Sự sắp xếp khéo léo của nhạc sĩ khi sử dụng âm thanh các nhạc cụ dân tộc đan xen, hoà quyện trên nền nhạc cụ điện tử nâng đỡ nhau, tạo nên sự bay bổng trong không gian tràn ngập sắc màu, lúc dồn dập, lúc du dương, khi réo rắt, khi nhanh, khi chậm như bước chân hành quân của người lính.

Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội và đồng đội – Ảnh: VGP/Trần Khánh Nhật

Bằng những sáng tạo và sức mạnh của mình, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã “chuyên chở” hình ảnh Bộ đội cụ Hồ bản lĩnh, dám dấn thân, toả sáng trong lòng các thế hệ quần chúng nhân dân. Nghệ thuật quân đội tiếp tục phát huy mạnh mẽ, truyền lửa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ các giá trị Chân – Thiện – Mỹ, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, mối đoàn kết quân dân.

Theo Báo Chính Phủ