Nông nghiệp Việt đang vươn xa trên thị trường quốc tế

Nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển từ “nâu” sang “xanh”, khai thác sâu để gia tăng giá trị sản phẩm.

Năm 2022 là thời điểm có nhiều thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu với những ảnh hưởng hậu Covid-19. Trong nước, các doanh nghiệp cũng đã phải nỗ lực hết mình ổn định sản xuất, nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. Nhờ đó, năm qua, nền kinh tế đã đạt được nhiều con số ấn tượng. Về tăng trưởng, thương mại dịch vụ vẫn là điểm nhấn nổi bật nhất. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt hơn 53 tỷ USD. Đây là kết quả rất xứng đáng cho những nỗ lực vượt khó của toàn ngành.

Việt Nam tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Đó là gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm ngoái.

Ảnh minh họa

Năm 2022 đã ghi dấu những nỗ lực đàm phán và hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến, chanh leo, sầu riêng, khoai lang… sang Trung Quốc. Quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Đặc biệt, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), con số ấn tượng này có sự góp phần không nhỏ của ngành thủy sản, khi lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản của nước ta chạm mốc 10,14 tỷ USD (tăng 27%).

Những con số ấn tượng này cho thấy, nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển từ “nâu” sang “xanh”, khai thác sâu để gia tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, việc tiếp tục đạt giá trị xuất khẩu cao kỷ lục càng làm rõ hơn vai trò trụ đỡ nền kinh tế của ngành, không chỉ đóng góp tích cực cho tăng trưởng, mà còn đảm bảo an ninh lương thực, an toàn xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, năm 2023, dự báo nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, toàn ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn… Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP cho hàng nông sản Việt Nam.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam khi đạt 12,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần. Đứng thứ hai là Trung Quốc với khoảng 9,3 tỷ USD, chiếm 18,9% thị phần; thứ ba là Nhật Bản với giá trị đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 7,9% thị phần…

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường lớn là Trung Quốc trong thời gian tới còn không ít thách thức do nhiều nguyên nhân. Hiện Trung Quốc đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các sản phẩm của Thái Lan hơn.

Cùng với đó, các nước Liên minh châu Âu (EU) truy xuất nguồn gốc nguyên liệu gỗ rất nghiêm ngặt nên xuất khẩu viên nén gỗ từ Việt Nam sang EU vẫn còn rất ít. Tiêu chuẩn viên nén nhập khẩu vào EU hiện rất cao và đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải đầu tư mạnh mẽ để cải thiện thiết bị và công nghệ.

Thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng và các yêu cầu tạm thời đối với chanh leo sang Trung Quốc, yêu cầu nhập khẩu đối với bưởi xuất sang Mỹ cho các tổ chức, cá nhân liên quan tại các địa phương.

Đồng thời, bộ đang đàm phán các nội dung kỹ thuật để sớm ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài xuất khẩu sang Trung Quốc. Phối hợp kiểm tra trực tuyến hằng tuần với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối với mặt hàng chuối và sầu riêng.

Việt Nam là một nước đang phát triển, nông nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh đổi mới toàn diện để có được hiệu quả kinh tế – xã hội tối ưu, với tốc độ nhanh trong điều kiện điểm xuất phát thấp và cơ sở vật chất kỹ thuật hạn chế, trình độ sản xuất nông sản hàng hoá chưa cao. Có thể khẳng định, con đường phát triển nông nghiệp Việt Nam phải hướng tới sản xuất hàng hóa trên cơ sở công nghiệp hóa-hiện đại hóa và bền vững.

Theo: Thoibaonganhang