Theo số liệu thống kê, đã có 12.260 lượt tải và cài đặt hệ thống du lịch thông minh Quảng Nam trong 9 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, có khoảng 90% là người dùng trong nước, khoảng 4% người dùng ở khu vực châu Á, cùng khoảng 4% ở Hoa Kỳ và 2% ở các khu vực khác.

Nâng cấp hệ thống du lịch thông minh
Bổ trợ cho việc phát triển du lịch thông minh, Quảng Nam đã số hóa hơn 10.000 file dữ liệu hình ảnh, điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch. Cùng với đó là hơn 9.000 file thô và gần 100 phim, trailer các ngôn ngữ về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, di sản và văn hóa phi vật thể. Hiện tại, Quảng Nam đang phục vụ khách du lịch bằng Hệ thống du lịch thông minh gồm Cổng thông tin du lịch, ứng dụng mobile du lịch thông minh, bản đồ số, hệ thống chatbot, hệ thống tạo chương trình tour,…

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, nhu cầu du lịch hướng tới trải nghiệm được cá nhân hóa, thân thiện đang phát triển và cần có những ứng dụng số thông minh để đưa ra những sản phẩm, lời giải tối ưu cho từng nhóm nhu cầu đặc thù của du khách. Qua đó, tiếp cận được nhóm đối tượng phù hợp để xây dựng sản phẩm cụ thể, thu hút khách du lịch đến, trải nghiệm tại các điểm đến.

Ông Lê Văn Anh – Đại diện Trung tâm VNPT IT khu vực 3 (Công ty Công nghệ thông tin VNPT) đề xuất, tỉnh Quảng Nam sớm thúc đẩy xây dựng hoàn chỉnh bản đồ số du lịch và nâng cấp hoàn thiện hệ thống gợi ý lịch trình thông minh. Cụ thể, địa phương có thể bổ sung Trung tâm điều hành du lịch thông minh, xây dựng chuyên trang “đặc sản địa phương”, tổ chức các cuộc thi ảnh qua cổng thông tin du lịch… để phục vụ nhu cầu của du khách, quảng bá du lịch,…

“Quảng Nam cũng nên nghiên cứu triển khai công cụ Smart UX để thu thập nhu cầu tương tác, tìm kiếm của du khách sẽ hiển thị trên bản đồ nhiệt. Từ đó, phân tích được hành vi người dùng để có giải pháp nâng cao giá trị trải nghiệm đến khách du lịch”, vị này đề xuất.

Tương tự, ông Hoàng Quốc Việt – Tổng Giám đốc Công ty Vietsoftpro kiến nghị, Quảng Nam xây dựng một hệ thống lưu trữ, quản lý, số hóa các nguồn tài nguyên phục vụ du lịch. Cụ thể, ông Việt cho rằng hệ thống du lịch thông minh cần nhấn mạnh vào việc xây dựng dữ liệu số 3D, sách điện tử và mô hình thực tại ảo (AR).
“Công nghệ không chỉ giải quyết bài toán gia tăng lượng khách đến mà còn có thể tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa phục vụ cho ngành du lịch nếu biết cách tích hợp, khai thác hợp lý”, ông Việt nhận định.

Phủ sóng công nghệ

Trên thực tế, việc chuyển đổi số của ngành du lịch Quảng Nam cũng đang đối mặt với không ít khó khăn khác như thiếu hụt nguồn lực (bao gồm nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực), thiếu hụt dữ liệu, tâm lý trong việc tiếp cận và ứng dụng…

Ông Nguyễn Sơn Thủy – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho rằng, các điểm du lịch chính tại Quảng Nam như Hội An hay Mỹ Sơn nên nhanh chóng áp dụng triệt để công nghệ số như thẻ điện tử, Al vào quản lý vé tham quan, phát triển các sản phẩm du lịch số, tăng giá trị trải nghiệm mới cho du khách.

“Quảng Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng số ổn định, nhanh chóng thí điểm nền tảng 5G, 6G của thế giới để đi trước đón đầu công nghệ mới. Đồng thời, có chiến lược đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao, định hướng trang bị cho lao động kỹ năng số để đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp chuyển đổi số trong thập niên đến. Xây dựng các chính sách tài chính, huy động vốn đầu tư ưu đãi, thậm chí 0% cho những năm đầu tiên, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực chuyển đổi số trong du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp thụ hưởng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư công nghệ, xây dựng các mô hình kinh doanh mới, tạo ra giá trị gia tăng, tăng trưởng tốt trong tương lai”, ông Thủy kiến nghị.

Ở cấp độ quản lý, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho rằng, cần có giải pháp thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động ngành du lịch trong thời gian tới gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, khắc phục hạn chế trong hoạt động du lịch.

“Ngành du lịch địa phương đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch thông minh bên cạnh việc phát triển hệ thống thông tin – truyền thông số ngành du lịch. Sở cũng đề nghị UBNĐ tỉnh hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch,…”, ông Hồng nói.

Theo Diendandoanhnghiep.vn