Tạo “luồng xanh” cho đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP

Để tạo thuận lợi cho các chủ thể đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục dành nguồn lực để tạo “luồng xanh” cho sản phẩm OCOP…

Theo đó, Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn. Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp.

Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị – Ảnh minh họa: ITN

Báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, tính đến hết tháng 12/2023, đã có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm so với tháng 12/2022), trong đó 68,9% sản phẩm 3 sao, 29,9% sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao; có 5.724 chủ thể OCOP, trong đó có 37,5% là hợp tác xã, 24,4 % là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên cả nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã tập trung đăng ký bảo hộ và quản lý hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản của mình. Nhờ đó thương hiệu của các sản phẩm OCOP được duy trì phát triển, đồng thời tiếp cận gần với người tiêu dùng trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với quy định một trong những bắt buộc đối với sản phẩm đề nghị xét, công nhận 4 sao trở lên là phải có nhãn hiệu được đăng ký.

Theo chuyên gia, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và quản trị nhãn hiệu tại Việt Nam cho các chủ thể OCOP – Ảnh minh họa: ITN

Mặt khác, việc không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP đồng nghĩa với việc chủ sở hữu sản phẩm đối mặt với rủi ro bị chiếm đoạt và vướng vào tranh chấp, thậm chí bị kiện do sử dụng nhãn hiệu của mình cho sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, xoay quanh hoạt động này, thực tế cho thấy, nhận thức, sự quan tâm và năng lực của chủ thể OCOP về sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Cán bộ tham gia hội đồng đánh giá, phân hạng chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của thực tiễn.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các ngành còn nhiều vướng mắc trong hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho chủ thể OCOP ở địa phương cũng như phát triển sản phẩm OCOP chưa được quan tâm, lồng ghép gắn với các nhiệm vụ, đề tài về hỗ trợ phát triển sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, thời gian đăng ký nhãn hiệu còn dài, khó khăn cho các chủ thể trong việc nâng hạng sản phẩm OCOP.

Thống kê về thực trạng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm OCOP cho thấy, năm 2023, trong số 27 địa phương có công văn gửi Cục sở hữu trí tuệ, có 978 sản phẩm được công nhận 4 sao, trong đó chỉ có 62% sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các sản phẩm còn lại đều đã nộp đơn đăng ký tại Cục.

Các sản phẩm đã được công nhận 4 sao nhưng chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là các sản phẩm được công nhận từ trước năm 2023 khi Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 về Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Trước thực trạng nêu trên, để tạo thuận lợi cho các chủ thể OCOP đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý OCOP và Du lịch nông thôn kiến nghị, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và quản trị nhãn hiệu tại Việt Nam cho các chủ thể OCOP, đặc biệt là tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu cho các chủ thể OCOP tại các thị trường Đông Bắc Á, EU, Mỹ, Úc và New Zealand, Singapor, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Myanmar.

Đồng thời, đề xuất nhiệm vụ hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước và nước ngoài cho các chủ thể OCOP có sản phẩm đạt 4,5 sao tại thị trường nước ngoài.

“Cục sở hữu trí tuệ cần có sự ưu tiên, hỗ trợ các chủ thể OCOP rút ngắn thời gian thẩm định đăng ký nhãn hiệu. Hỗ trợ các chủ thể OCOP đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài. Lồng ghép, hỗ trợ các chủ thể OCOP trong quản lý, phát triển thương hiệu cộng đồng”, ông Đào Đức Huấn đề nghị.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn và xây dựng cơ chế, chính sách về định giá tài sản trí tuệ, bởi đây là một những yếu tố quan trọng của quá trình thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ.

Cùng với đó, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, tăng cường phối hợp với địa phương trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, Cục Sở hữu Trí tuệ trong thời gian qua đã rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý các đơn đề nghị bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2023, khối lượng xử lý đơn đã tăng lên hơn 10% so với năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch rất lớn giữa số lượng đơn đầu vào và đơn đầu ra, điều này đã dẫn đến tình trạng đơn bị chậm xử lý.

Giải pháp được ông Lê Huy Anh đưa ra đó là tạo “luồng xanh” cho các đơn liên quan đến sản phẩm OCOP cũng như một số nhu cầu cấp bách khác của địa phương.

“Chúng tôi sẽ cố gắng dành nguồn lực tạo luồng xanh giải quyết sớm để không ảnh hưởng đến các sản phẩm OCOP 4 sao của các địa phương”, ông Lê Huy Anh nhấn mạnh.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp