Tình trạng “lệch pha” trong phân khúc thị trường BĐS TP.Hồ Chí Minh

Thực trạng đáng quan tâm nhất chính là tình trạng “lệch pha” phân khúc thị trường, thừa nhà ở cao cấp, trong lúc rất thiếu nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn, thiếu nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân.

Theo Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA), hiện nay thị trường bất động sản vẫn đang tồn tại nhiều bất cập chưa được tháo gỡ, tình trạng lệch pha cung cầu tiếp tục diễn ra. Tại TP.Hồ Chí Minh, trong nhiều năm liền rất thiếu nguồn cung nhà ở. Số liệu thống kê cho thấy, nguồn cung này giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Nguồn cung 2023 ước đạt 8000 căn, giảm 60% so với năm 2022.

Trong đó, thực trạng đáng quan tâm nhất chính là tình trạng “lệch pha” phân khúc thị trường, thừa nhà ở cao cấp, trong lúc rất thiếu nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn, thiếu nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân. Thậm chí, đã xuất hiện những nhà liền thổ giá trên 500 tỷ đồng, căn hộ siêu sang trên 100 tỷ đồng và các đợt “sốt ảo” giá đất, rất bất lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.

Trong khi các dự án cao cấp đang dư thừa nguồn cung thì phân khúc giá rẻ lại quá thiếu

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay chính là hoạt động chuyển nhượng dự án vẫn bị ách tắc do vướng mắc quy định pháp luật, buộc bên chuyển nhượng dự án nhà ở thương mại phải có sổ đỏ, nên từ đầu năm 2021 đến nay, TP.Hồ Chí Minh chỉ có 01 dự án đủ điều kiện chuyển nhượng, mà lẽ ra doanh nghiệp phải được đảm bảo “quyền tự chủ kinh doanh”, trong đó có quyền chuyển nhượng dự án và nộp thuế cho Nhà nước (theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020).

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “giảm tốc”, phát triển chậm lại, trầm lắng. Doanh nghiệp bất động sản đang trong tình trạng “hụt hơi”, giảm thanh khoản, khó tiếp cận các nguồn vốn. Trong khi đó, nhà đầu tư thứ cấp cũng đang gặp khó khăn vì thị trường cũng “bết bát”. Và điều quan ngại nhất chính là việc người có nhu cầu thật gặp khó khăn hơn nhiều so với trước đây trong việc tạo lập nhà ở.

Theo nhiều chuyên gia, rất cần sớm xem xét để có kết luận và xử lý dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay đang phải thực hiện rà soát pháp lý. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh có 64 dự án, xử lý theo hướng thực hiện chủ trương “thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực” và các doanh nghiệp có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, kể cả nghĩa vụ tài chính bổ sung vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, để cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.

Về lâu dài, TP.Hồ Chí Minh kiến nghị, cần có văn bản hướng dẫn quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở để các địa phương thống nhất triển khai thực hiện, cũng như quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất đầu tư. Để tạo ra thị trường bất động sản công bằng, minh bạch đối với các doanh nghiệp tham gia, cần xem xét chỉ đạo cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị nếu có nhu cầu thì được quyền đầu tư xây dựng, kinh doanh trên phần đất thương mại, dịch vụ của dự án như công trình y tế, giáo dục, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, để đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, bởi lẽ doanh nghiệp đã tạo lập quỹ đất và bỏ vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án. Đồng thời, cho phép các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đa ngành được dùng phần lợi nhuận kinh doanh bất động sản để bù các khoản lỗ thuộc các lĩnh vực kinh doanh khác đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp hoạt động đa ngành khác trên thị trường.

Theo: Thoibaonganhang