Vừa qua, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã phối hợp cùng Sở Công thương tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề Tái cơ cấu ngành công nghiệp thành phố theo hướng phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Được biết, đây là nội dung thuộc đề án khoa học “Định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tham dự hội thảo có sự hiện diện của: Tiến sĩ Trần Du lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia; Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Ngọc; Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố Trương Minh Huy Vũ…
Chủ nhiệm đề án, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố Trương Minh Huy Vũ cho biết đề án được thực hiện với mục tiêu nhận diện chính xác, đúng đắn thực trạng ngành công nghiệp hiện nay. Từ đó, mạnh dạn đưa ra các ý kiến, giải pháp đột phá trong tư duy thay đổi chính sách phát triển công nghiệp thành phố trong bối cảnh mới. Đồng thời, tái cơ cấu ngành công nghiệp, tích hợp ngành phục vụ quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ nhiệm đề án Trương Minh Huy Vũ phát biểu.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng đề án này cần phải thực hiện nhanh chóng, khẩn trương đề làm tiền đề cho quy hoạch chung triển khai. Sau đó sẽ đi sâu hơn và tập trung vào các giải pháp cụ thể hơn trong giai đoạn sau đề có thể nhìn nhận rõ ngọn ngành và các vấn đề mà ngành công nghiệp đang gặp phải.
Ông cũng cho biết, đây là đề án được thực hiện để triển khai trên thực tiễn chứ không phải để định hướng, chính vì vậy cần phải phân tích rõ ràng và chi tiết.
Tiến sĩ Trần Du Lịch đưa ra nhận định.
Trao đổi tại hội thảo, ông Trương Minh Huy Vũ đánh giá đây là một đề án gặp nhiều khó khăn khi thực hiện bởi việc quy hoạch tích hợp. Sự chuyển dịch về bối cảnh quốc tế như chuỗi cung ứng, xu thế chuyển đổi số, chuyển đối xanh,… cũng một phần nào đó ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chủ nhiệm đề án cũng đã cố gắng để thực hiện bảo đảm tiến độ, với 2 giai đoạn, tháng 6 đã có báo cáo đầu tiên, phân tích điểm mạnh, điểm nghẽn, mối tương quan giữa thành phố và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp đã làm rất nhiều, nhiệm kỳ nào cũng có chiến lược phát triển ngành công nghiệp, trong đó đều có tái cơ cấu, nhưng rất chậm, nhiều năm qua chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét. Ngoài ra, cần giải quyết bài toán về vốn, cần có cơ chế hỗ trợ, khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp.
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa nêu ra quan điềm.
“Khi nói về đổi mới sáng tạo thì gắn với đó là chất lượng nhân lực. Mọi thứ do con người quyết định. Hiện thành phố vẫn là nơi thu hút nhân tài, làm sao sắp tới không chỉ người giỏi trong nước mà cả trên thế giới phải muốn đến TP. Như vậy phải gắn với chính sách ưu đãi với từng ngành cụ thể” – đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn tới thành phố phải theo đúng tinh thần Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 thì thành phố phải xây dựng, cạnh tranh trên cơ sở yếu tố đầu vào tiên tiến là nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo. Để cho hệ thống hơn, phải bám sát 3 định hướng chiến lược: hạ tầng, nhân lực, thể chế.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM phát biểu.
Đề án cũng đưa ra về mục tiêu cụ thể, năm 2025 xây dựng được doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Đẩy mạnh liên kết vùng theo hướng liên kết cụm ngành. Chuyển đổi thành công thí điểm 5 khu công nghiệp – khu chế xuất.
Đến năm 2030, tiếp tục xây dựng, phát triển doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn. Chuyển đổi thành công 12 KCN – KCX còn lại, hình thành khu công nghệ cao.
Tầm nhìn đến 2050, TP.HCM sẽ trở thành Thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Ngọc Hải