Vì sao chưa thể chi mạnh cho đầu tư phát triển?

Tiến độ giải ngân 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 39% kế hoạch vốn do Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến trầm trọng khiến nhiều hoạt động đầu tư phải đình trệ. Lý giải về tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với các nguyên nhân chủ quan thì việc giá nguyên vật liệu tăng quá cao cũng đã làm giải ngân vốn công chậm.

Theo nhiều chuyên gia, đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt với hoạt động thu hút đầu tư vì cứ tăng được 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Ngoài ra, đầu tư công đóng góp không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế,  theo tính toán nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so năm trước sẽ giúp GDP tăng thêm 0,058%.

Với năm 2022 và những năm kế tiếp, các kịch bản điều hành được xây dựng trên cơ sở tăng mạnh vốn đầu tư công, làm vốn mồi tạo “cú huých” đưa nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng cao, gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển sau đại dịch. Vì vậy, việc giải ngân không đạt kế hoạch sẽ khiến “cú huých” này giảm lực, ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế.

Các bộ, ngành, địa phương phải ngải ngân gần 330.000 tỉ đồng trong bốn tháng cuối năm nếu muốn hoàn thành kế hoạch giải ngân cả năm 2022. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Gần 330.000 tỉ đồng chờ giải ngân

Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là trên 542.105 tỉ đồng, gồm 222.000 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương, 304.105 tỉ đồng vốn ngân sách địa phương và 16.000 tỉ đồng vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021.

Nguồn vốn là rất lớn nhưng theo thông tin từ Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân 8 tháng đầu năm mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Tiến độ này rất chậm so với yêu cầu.

Không lâu trước đó, Bộ Tài chính cũng có báo cáo gửi Chính phủ, cho biết lũy kế từ đầu năm đến ngày 31-8, số thanh toán đạt 212.227,28 tỉ đồng. Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 207.347,63 tỉ đồng, giải ngân vốn nước ngoài đạt 4.879,65 tỉ đồng.

Đáng lưu ý, có 27 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch vốn được giao. Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Y tế, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Tài chính…

Tại cuộc họp về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngày 31-8, một số cơ quan, địa phương, đơn vị đã đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn được giao. Cụ thể, Hà Nội muốn giảm 2.000 tỉ đồng vốn nước ngoài, EVN giảm 140 tỉ đồng còn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giảm 92,45 tỉ đồng.

Với tình hình trên, áp lực giải ngân trong 4 tháng cuối năm rất lớn bởi nếu muốn hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2022 thì các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân gần 330.000 tỉ đồng.

“Tổng vốn đầu tư công năm nay rất lớn, trên 500.000 tỉ đồng, nếu chậm giải ngân thì ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng của năm nay cũng như các năm tiếp theo”, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nói tại buổi làm việc giữa Tổ công tác số 4 và UBND thành phố Hà Nội hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Nhiều nguyên nhân chủ quan làm chậm giải ngân

Về yếu tố làm chậm tiến độ giải ngân, lãnh đạo địa phương, bộ, ngành đưa ra nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân liên quan đến giải phóng mặt bằng, năng lực lập dự án, địa phương chưa chuẩn bị tốt để đầu tư…, tức là những nguyên nhân chủ quan.

Theo ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nơi có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc diện thấp so với bình quân chung của cả nước, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề không mới nhưng vẫn nan giải trong việc thực hiện các dự án.

Trong khi đó, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, có 5 yếu tố chính làm chậm giải ngân, gồm năng lực lập dự án còn hạn chế; thực hiện thủ tục đầu tư còn chậm; một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong kiểm tra, đôn đốc; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa quyết liệt và tình trạng một số nhà thầu thi công cầm chừng.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết có một số tồn tại nhiều năm, làm ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân gồm năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu còn hạn chế, công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt.

Cùng với đó, việc chuẩn bị, lựa chọn dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng chọn dự án chưa thực sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn, trong khi nguồn lực có hạn. Một số bộ ngành, địa phương chưa chuẩn bị đầu tư từ sớm, chưa quan tâm đến việc sử dụng kinh phí của kỳ kế hoạch này để chuẩn bị cho dự án của kỳ kế hoạch sau, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết.

“Điều này dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, trung ương đã giao kế hoạch nhưng bộ ngành, địa phương không giao được kế hoạch chi tiết, do dự án chưa xong thủ tục”, ông Dũng nói.

Theo đó, những yếu tố trên kết hơp với chất lượng chuẩn bị dự án thấp, quản lý đất đai không tốt sẽ dẫn tới phải điều chỉnh dự án nhiều lần, tăng chi phí, đội vốn. Thậm chí phải điều chỉnh quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư liên tục.

“Thủ tục vì thế sẽ kéo dài thêm, do vậy, khó mà triển khai và giải ngân nhanh được”, ông Dũng nói.

“Bão giá” nguyên vật liệu kéo thêm đà trì trệ

Cùng với những nguyên nhân chủ quan vừa kể trên, nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt giá nguyên vật liệu tăng cao, khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng cũng được cho rằng đã góp phần đáng kể trong việc kéo chậm tiến độ giải ngân.

Theo Bộ Xây dựng, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước trong tháng 8 vừa qua, biến động về giá nguyên vật liệu, một số chủ đầu tư còn lúng túng, chưa quyết liệt triển khai thực hiện… đã tác động tiêu cực tới tiến độ giải ngân.

Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Thống kê, cho biết chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 5-2022 tăng 7,6% so với tháng trước và tăng 40,47% so với cùng kỳ năm trước. Với các nguyên vật liệu khác, nhôm tăng khoảng 50-60%, vật tư điện nước gồm ống nhựa các loại, dây điện tăng khoảng 15-25%. Những yếu tố này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xây dựng.

Theo ông, với nhà thầu thi công các hợp đồng đã ký theo “đơn giá cố định” hoặc “trọn gói” không được điều chỉnh vốn thì tình trạng giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nhà thầu.

Kết quả, các nhà thầu lớn có năng lực tài chính, có uy tín, nghiêm túc thực hiện hợp đồng thì thua lỗ, làm giảm sức mạnh tài chính và khả năng thi công. Trong khi đó, các nhà thầu nhỏ, không đủ năng lực tài chính sẽ đối mặt với nguy cơ bị phá sản nếu nghiêm túc thực hiện hợp đồng.

Với các hợp đồng ký theo hình thức “đơn giá điều chỉnh”, tức được điều chỉnh giá trong bối cảnh giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao, giá tăng đột biến và liên tục cũng khiến chủ đầu tư phải xem xét, cân nhắc về nguồn vốn và hiệu quả dự án để quyết định tiếp tục đầu tư hay tạm dừng chờ đến khi giá vật tư, vật liệu ổn định.

“Thời gian tạm dừng để chờ quyết định của chủ đầu tư thường kéo dài, gây phát sinh về chi phí cho nhà thầu mà không được thanh toán như chi phí khấu hao máy móc thiết bị, lương cho người lao động, lãi vay để thi công, chi phí bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng”, ông Lâm phân tích.

Về giá thép, chuyên gia này cho biết giá thép tăng 10% khiến giá công trình tăng thêm 1% trong bối cảnh chi phí thép xây dựng chiếm 12-16% tổng giá trị công trình.

Hiện giá thép có loại đã tăng từ 40% đến 45% so thời điểm cuối năm 2020, tương ứng giá trị công trình tăng thêm khoảng hơn 4%. Trong khi đó, lợi nhuận của một công trình với nhà thầu chỉ dao động dưới mức 5% với điều kiện chủ đầu tư thanh toán đúng hạn, không nợ đọng.

“Giá thép tăng cao sẽ khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng lao đao, đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình đã và đang thực hiện vì phần lớn hợp đồng ký đơn giá cố định, làm tiếp cũng lỗ, không làm cũng lỗ do phải đền bù”, ông Lâm nói.

Theo Thesaigontimes