Sau khi có những khởi sắc về điểm số trong tháng 9, bước sang tháng 10/2023, thị trường chứng khoán đã có một số phiên điều chỉnh mạnh khiến thị trường tuột mốc 1.200 điểm đã tạo dựng trước đó. Đáng chú ý, thời điểm cuối tháng 10, thị trường chứng kiến phiên điều chỉnh mạnh khiến chỉ số tụt sâu xuống dưới mốc 1.100 điểm.
Cổ phiếu vốn hoá lớn giảm điểm khiến nhà đầu tư bán tháo
Trong tuần vừa qua, thị trường chứng khoán ghi nhận VN-Index giảm điểm tiêu cực với áp lực bán chủ động bất ngờ gia tăng mạnh ở 2 phiên cuối tuần.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, áp lực bán xuất hiện ngay khi VN-Index tiếp cận lại vùng điểm kháng cự quanh mốc 1.110 khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm điểm. Bất ngờ hơn là trong 2 phiên cuối tuần, thanh khoản bán chủ động bất ngờ gia tăng đột ngột. Đặc biệt, trong phiên 26/10, áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên sáng cùng với việc nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chìm trong sắc đỏ đã khiến VN-Index nhanh chóng mất hơn 46 điểm, tương đương giảm 4,19% khiến VN-Index lui về khu vực 1.055 điểm.
Tác động tiêu cực nhất tới thị trường là cổ phiếu của Vingroup bao gồm VIC, VHM, VRE bị bán sàn và đã tạo tác động tiêu cực, đè nặng áp lực lên thị trường. Bên cạnh đó, khoảng 500 mã cổ phiếu giảm điểm và tất cả 30 mã cổ phiếu vốn hóa lớn đều chìm trong sắc đỏ cũng đã tạo tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư và thị trường đã xuất hiện những tín hiệu bán tháo với thanh khoản lớn.
Cùng chung xu hướng với dòng tiền khối nội, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng xuyên suốt phiên này với thanh khoản 93 tỷ đồng, tập trung bán VHM, SSI, FUEVFVND. Trong phiên giao dịch ngay sau đó, chỉ có hơn 170 mã cổ phiếu có được mức phục hồi khiêm tốn và chưa thể giúp thị trường thu hẹp đà giảm. Như vậy, tính đến thời điểm ngày 27/10, VN-Index đóng cửa tại 1060,62 điểm, giảm 47,41 điểm so với tuần trước đó.
Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ tuần vừa qua thị trường rung lắc mạnh là do những lo ngại của giới đầu tư đến từ các thông tin kinh tế tài chính trong và ngoài nước, đặc biệt là tâm lý bất ổn khi chứng kiến sự giảm điểm của các cổ phiếu vốn hoá lớn.
Theo ghi nhận của Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCSI), trong phiên giao dịch 26/10, thông tin VIC phát hành trái phiếu 300 triệu USD (lãi suất 9,5% -10% bằng USD) và có thể hoán đổi thành cổ phiếu VHM đã khiến giới đầu tư bán mạnh cổ phiếu VHM. Đó là mồi lửa đốt đầu tiên và nhanh chóng lan nhanh sang các nhóm ngành khác, khiến thị trường giảm điểm mạnh. “Nhà đầu tư đã gặp một cú sốc “trời giáng” trong phiên giao dịch 26/10 trước những lo sợ của giới đầu tư trước thông tin Vingroup phát hành trái phiếu chuyển đổi, khiến chỉ số có lúc giảm tới hơn 50 điểm trong phiên”, VNCSI cho biết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, việc thị trường biến động mạnh xuất phát từ việc thị trường chứng khoán phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư, trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ lớn, trên 90% trên thị trường. Với việc giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% giao dịch trên thị trường và tâm lý của nhà đầu tư thường xuyên chuyển đổi trạng thái rất nhanh từ “hưng phấn quá mức” đến “bi quan quá đà” mỗi khi thị trường có điều chỉnh là căn nguyên khiến thị trường có những phiên điều chỉnh mạnh trong bối cảnh diễn biến kinh tế vĩ mô đang ổn định.
Nhà đầu tư giữ tư duy phòng thủ hơn là giải ngân bắt đáy sớm
Theo đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), diễn biến của thị trường chịu tác động bởi nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và trên thế giới như lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, áp lực điều hành tỷ giá… Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Nhận định về phiên giao dịch ngày 26/10, đại diện UBCKNN cũng cho rằng, bên cạnh giảm điểm sâu thì diễn biến giao dịch trên thị trường cũng ghi nhận yếu tố tích cực là dòng tiền nhập cuộc tốt giúp thanh khoản thị trường trong phiên bật tăng rất mạnh với tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt mức 23.244 tỷ đồng. Theo UBCKNN, tuy thị trường có sự biến động tăng, giảm xen kẽ dưới tác động tổng hòa của nhiều yếu tố, nhưng trên bình diện chung, thị trường chứng khoán vẫn cho thấy sự ổn định thông qua sự cải thiện về thanh khoản, cũng như số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới gia tăng tích cực. Theo đó, thanh khoản thị trường thời gian gần đây đã có sự khởi sắc khi giá trị bình quân phiên đã và đang tiệm cận mức tỷ USD, cụ thể, bình quân thanh khoản giao dịch tháng 7 đạt 21.166 tỷ đồng/phiên; tháng 8 là 25.667 tỷ đồng/phiên và đạt 25.264 tỷ đồng/phiên trong tháng 9.
“Thị trường chứng khoán trong nước vẫn duy trì hoạt động ổn định mặc dù chịu tác động lớn từ nhiều yếu tố khách quan, từ kinh tế vĩ mô toàn cầu và tình hình bất ổn địa chính trị tại một số quốc gia, khu vực trên thế giới”, đại diện UBCKNN khẳng định, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư cần nhìn nhận, phân tích và đánh giá toàn diện về các yếu tố kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tiếp nhận các thông tin chính thống từ doanh nghiệp, đặc biệt là việc cẩn trọng với tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng tới quyết định đầu tư.
Khuyến nghị tới nhà đầu tư, VCBS cho rằng, VN-Index vẫn đang chịu áp lực lớn từ việc nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán ròng và sẽ khó có thể tìm lại được điểm cân bằng ngay trong ngắn hạn, do đó, các nhà đầu tư chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt, giữ tư duy phòng thủ hơn là giải ngân bắt đáy sớm tại thời điểm hiện tại. Trong khi đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, sau khi sụt giảm mạnh trong phiên 26/10, áp lực giảm điểm có thể còn tiếp diễn do quán tính giảm và áp lực bán giải chấp có thể diễn ra trong các phiên kế tiếp, tuy nhiên, kỳ vọng VN-Index sẽ sớm cân bằng và hồi phục tăng điểm trở lại khi kiểm định vùng hỗ trợ 1.020-1.050 điểm trong các phiên tới. Theo BVSC, các nhà đầu tư đã thực hiện bán trước đó tiếp tục giữ trạng thái quan sát, chưa vội giải ngân ngay ở thời điểm hiện tại.
Trước đó, nhận định về những yếu tố sẽ tác động tới thị trường chứng khoán dịp cuối năm 2023, ông Đào Minh Châu, Phó giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research cho rằng một số nhóm yếu tố sẽ tác động đến thị trường như: nhà đầu tư cần quan sát các biến số vĩ mô như GDP, PMI, CPI, lạm phát, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, lãi suất, xuất khẩu và các động thái của Ngân hàng Nhà nước; yếu tố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp; yếu tố dòng tiền, đặc biệt dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân.
Theo Haiquanonline