Vốn cho doanh nghiệp – bài toán khó giải!

Sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chật vật với bài toán khát vốn trong công tác phục hồi sản xuất và kinh doanh. Việc thiếu vốn đã đẩy lãi suất cho vay tăng cao, doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn, bị động trước kế hoạch kinh doanh trong những tháng cuối năm. Giải quyết vấn đề về vốn đang là câu hỏi khó đối với thị trường tiền tệ.

Thực trạng “tắc nghẽn” dòng vốn

Trong bối cảnh nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao trên đà khôi phục của hoạt động kinh doanh, sản xuất,  Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay là 14% (nhỉnh hơn năm 2021, 13,61%). Tuy nhiên, mức tín dụng này được đánh giá là sẽ khó lòng đáp ứng được cơn khát vốn trong giai đoạn doanh nghiệp đang tăng tốc phục hồi và phát triển như hiện nay.

Chia sẻ với phóng viên báo chí, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết ngân hàng này được nới room tín dụng thêm 3,1%. Tuy nhiên, số vốn được phép cho vay ra quá nhỏ bé so với nhu cầu vốn của khách hàng trong ba tháng còn lại của năm. Ngân hàng đang phải tính toán kỹ lưỡng, phân bổ phù hợp để nhiều doanh nghiệp cũng vay được vốn. Vì vậy, đối với những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lớn chắc chắn ngân hàng chỉ đáp ứng được một phần trong hợp đồng.

Theo nhiều doanh nghiệp, quý IV là giai đoạn quan trọng để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu, kết quả có được sẽ là tiền đề cho năm tới. Do đó, tại thời điểm những tháng cuối năm này, việc có đủ tiền để nhập nguyên liệu, mua máy móc thiết bị để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm là cấp thiết nhất.

Thực trạng tắt nghẽn dòng vốn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc đi vay lại không hề dễ dàng đối với nhiều người. Chị Mai Hạnh, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có trụ sở tại Hà Nội cho hay, khi biết tin ngân hàng chị làm hồ sơ vay vốn được nới room thêm hơn 3%, chị gọi điện đến chi nhánh thì được nhân viên phụ trách hồ sơ nói khoản vay của chị lớn (gần 10 tỉ đồng) nên chậm giải ngân và sẽ chia thành nhiều đợt. Vì đã trót làm hồ sơ nên đành phải chờ, chị có liên hệ một vài nơi khác nhưng ngân hàng nào cũng thông báo room cho vay nhỏ giọt.

Chị lo lắng kể: “Sau 1 tuần chờ đợi tôi được vay 4 tỉ đồng, số tiền này chưa bằng một nửa khoản vay trong hợp đồng. Trong khi đó tôi đã ký hợp đồng mua nguyên liệu với đối tác, nếu ngân hàng chậm giải ngân doanh nghiệp không biết xoay ở đâu”.

Cũng chật vật trong việc vay vốn giống như chị Hạnh, sau 2 tháng chờ đợi, một công ty chuyên xuất nhập khẩu nhựa ở Hà Nội đã được giải ngân 5 tỉ đồng, bằng với một nửa khoản vay trong hợp đồng. Không chỉ vậy, lãi vay đã tăng thêm 0,7% (9,2%/năm) so với hồi đầu năm.

Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, do đặc thù doanh nghiệp du lịch không có tài sản thế chấp hoặc đã thế chấp hết cho những khoản vay cũ, nên những doanh nghiệp này rất khó tiếp cận với vốn tín dụng. Đó là những minh chứng cho thấy rằng dòng vốn đang bị “tắc nghẽn”, làm sao để giải quyết vấn đề đang là câu hỏi khó đối với thị trường tiền tệ.

Làm thế nào để giải bài toán này?

Cả lãi suất cho vay tiền Đồng và USD đều tăng. Riêng với đồng Đô la Mỹ, lãi suất vay đã cao gần gấp đôi năm ngoái, hiện dao động khoảng từ 4,3 – 4,5%/năm.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cho biết, năm ngoái công ty vay USD tại ngân hàng thương mại chỉ 2,8%/năm nhưng năm nay tăng gần gấp đôi, mức lãi suất quá cao đối với doanh nghiệp. Điều này sẽ khó khăn trong bối cảnh thiếu hụt đơn hàng, đơn giá xuất khẩu không thể tăng được. Đối mặt rủi ro, công ty đang dự tính điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, sau 2 năm hứng chịu tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp lúc này đang còn yếu. Cho nên điều mà doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này là chính sách không có sự thay đổi đột ngột, khiến doanh nghiệp “không kịp trở tay”.

Theo khuyến cáo của PGS.TS Trần Đình Thiên, tính mệnh lệnh hành chính đe dọa doanh nghiệp cá nhân rất nặng . Đây là yếu tố quan trọng để các nhà hoạch định chính sách biết cách ứng xử với nền kinh tế và với các doanh nghiệp.

Năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam tương đương 34% tổng GDP, trong đó 47% là vốn từ tín dụng ngân hàng; 21,5% là từ trái phiếu doanh nghiệp; 3,2% từ thị trường cổ phiếu; vốn đầu tư công khoảng 15%, vốn FDI 14%. Nhưng hiện nay, doanh nghiệp vẫn trông chờ khá nhiều vào tín dụng ngân hàng. Các chuyên gia cho rằng, trước mắt để giải bài toán vốn cho doanh nghiệp cần phải sớm khơi thông kênh dẫn vốn quan trọng là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu. Còn về lâu dài, trong trường hợp cân đối được thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa vốn cho vay ngắn hạn với trung và dài hạn, cần bỏ hạn mức tín dụng, điều hòa vốn cho nền kinh tế.

Một chuyên gia cho biết, đây là lúc rất cần phải thay đổi giải pháp, thông điệp và cách thức truyền thông về hạn mức tín dụng. Quốc gia nào thì cũng phải có room tín dụng, chỉ khác nhau ở chỗ là nới room, tạo room, tính room và chặn room kiểu gì mà thôi.

Mỹ Anh