Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ-Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 21/11, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ-Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Quang cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ-Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Sự kiện là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, nâng cao mối quan hệ đối tác truyền thống, bạn bè gần gũi và thân thiết giữa hai nước.

Theo số liệu thống kê, năm 2022, tổng giá trị thương mại Việt Nam-Ấn Độ đạt hơn 15 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, trong những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh và Ấn Độ đã không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ trên các lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân.

Tuy nhiên, “Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy tiềm năng hợp tác với các đối tác Ấn Độ còn rất lớn và mong muốn Ấn Độ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh như thương mại, du lịch, khoa học-công nghệ, y tế, giáo dục…”, bà Hồ Thị Quyên nhấn mạnh.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, các đại biểu cho biết, tính đến tháng 10/2023, Ấn Độ đang có 237 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 130 triệu USD, đứng thứ 23 trong 120 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Hai bên còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển với thị trường hai nước rộng lớn, hàng hóa hai nước có sự bổ sung tốt cho nhau. Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ, Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu về môi trường đầu tư tại thành phố. Theo đó, nhấn mạnh đến việc Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là yếu tố quan trọng tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế xã hội của thành phố, nhất là trong lĩnh vực đầu tư.

Theo Báo Nhân dân