Khó tiếp cận tín dụng, doanh nghiệp khó tận dụng cơ hội thị trường

Tình trạng thiếu vốn đang là vấn đề phổ biến ở các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các ngân hàng cũng như từ các tổ chức tín dụng khác, dẫn đến việc chưa phát huy được hết năng lực để tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại.

Các diễn giả tại Tọa đàm.

Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn

Đây là vấn đề được thảo luận tại Tọa đàm “Giải pháp tín dụng và nguồn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA” được tổ chức ngày 22/11.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, tỷ trọng xuất khẩu tại các thị trường FTA còn rất khiêm tốn. Ví dụ như năm 2022 tỷ trọng xuất khẩu sang EU trong tổng xuất khẩu chỉ đạt khoảng 12%. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI tận dụng được FTA tốt hơn doanh nghiệp trong nước.

Nhìn nhận những vấn đề tồn tại hiện nay, bà Nguyễn Thị Lan Phương cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng một trong những nguyên nhân rất quan trọng là việc tiếp cận các nguồn vốn và nguồn tài chính của doanh nghiệp. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022, khó khăn lớn nhất mà các DN tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Cụ thể trong năm 2022, có đến 55,6% đánh giá rằng họ khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, trong khi con số này ở những năm 2019 chỉ là 34,8%, năm 2020 là 40,7% và đến năm 2021 là 46,9%. Tổ chức quốc tế IFC cũng đánh giá rằng 70% DN nhỏ và vừa Việt Nam khó và không thể tiếp cận được vấn đề tài chính.

Ở Việt Nam, Bộ Công Thương đánh giá tỷ trọng cho vay không dựa trên bất động sản còn rất khiêm tốn so với các thị trường thế giới, chỉ dao động ở mức từ 25 – 30%, trong khi hơn 70% các khoản vay còn lại phải dựa trên cam kết bảo đảm bằng bất động sản. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam với điều kiện quản trị, điều kiện quản lý dòng tiền, hệ thống tài chính, công nghệ còn rất hạn chế thì việc chứng minh những điều kiện đó rất khó khăn.

Về tình hình tiếp cận ngân hàng và các tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp, năm 2017, tỷ lệ các doanh nghiệp có khoản vay từ ngân hàng và tổ chức tín dụng là 49,4%; trong năm 2018 và 2019, con số này là 45% và 43%. Đến năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện thì tỷ lệ này lại giảm tiếp đi, chỉ còn 42,9%. Tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp có các khoản vay này vào năm 2021 là 35,4% thì đến năm 2022 chỉ còn 17,8%.

“Tất cả những con số này đều đã, đang chứng minh được rằng khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam rất khó và đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ thì khó khăn đó còn nhân lên gấp bội”, bà Lan Phương nhấn mạnh.

Thị trường vốn lành mạnh là trợ lực cho ngành sản xuất

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các FTA tạo ra sân chơi tăng thêm lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, đề xuất của doanh nghiệp đã được Chính phủ và ngành Ngân hàng quan tâm để có thêm hỗ trợ từ gói 15 nghìn tỷ đồng. Đến nay, hơn 60% gói đó đã được giải ngân và cộng đồng doanh nghiệp rất trân trọng sự chung tay hỗ trợ của Chính phủ và ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp.

“Chúng tôi rất mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của ngành ngân hàng để làm sao giảm lãi suất với Việt Nam đồng là dưới 7% và lãi suất với USD là dưới 4%. Đây sẽ là một trợ lực đáng kể đối với ngành thuỷ sản để ít nhất trong năm tới 2024 sẽ có thêm nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, thị trường vốn lành mạnh là một trợ lực rất lớn cho những ngành sản xuất. Hiện, còn dư địa lớn để cải cách các quy định liên quan đến kinh doanh, có tác động đến cộng đồng doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh doanh tốt hay khi có những bất ổn của thị trường thì câu chuyện tín dụng vẫn luôn là vị trí quan trọng nhất, là dòng máu bơm vào để duy trì sản xuất.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), để tận dụng được nguồn vốn, trước hết, doanh nghiệp phải hướng tới sản xuất, tiêu dùng xanh theo xu hướng chung và ngành ngân hàng phải có chính sách hỗ trợ nguồn lực, tư vấn cho các doanh nghiệp tận dụng những nguồn vốn.

Hiện nay ngành ngân hàng cũng đang trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật tổ chức tín dụng, trong đó điều chỉnh một số nội dung để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn về sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, kể cả cho vay tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Theo Haiquanonline