Việt Nam có công ty xếp hạng tín nhiệm theo ‘chuẩn’ Moody’s

Ngày 24/11, diễn ra Hội thảo Cập nhật các biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam và hoạt động xếp hạng tín nhiệm DN. Đồng thời, Công ty cổ phần xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) chính thức khai trương hoạt động. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investor Service trở thành cổ đông sáng lập và nắm giữ 49% cổ phần của VIS Rating.

Lễ Khai trương hoạt động Công ty cổ phần xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) – Ảnh: VGP

Thêm kênh xếp hạng tín nhiệm uy tín

VIS Rating được thành lập vào tháng 11/2021 bởi Moody’s, một công ty xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới và các định chế tài chính tại Việt Nam, dựa trên sáng kiến của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam. Ngày 18/9/2023, VIS Rating được Bộ Tài chính cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và trở thành tổ chức thứ 3 được cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này.

Cổ đông lớn nhất của VIS Rating là Moody’s với tỷ lệ sở hữu 49%, còn lại là các cổ đông khác như CTCK ABCS, NamABank, Vndirect, Dragon Capital, chứng khoán VPS.

Ông Phạm Phú Khôi, Chủ tịch HĐQT VIS Rating: Chủ tich VIS Rating cam kết sẽ cung cấp thông tin và đánh giá trung thực về các tổ chức phát hành, các công cụ nợ hay TPDN, giúp các nhà đầu tư có thêm cơ sở để đưa ra các quyết định chính xác, giúp các DN có kênh gọi vốn tin cậy.

Sự ra đời của VIS Rating là một bước đi quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thị trường trái phiếu đang trải qua những giai đoạn khó khăn và cần sự chung tay, góp sức của nhà đầu tư, tổ chức phát hành, tư vấn… để tạo dựng niềm tin và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong trong thời gian tới.

“Chúng ta đều biết rằng thị trường trái phiếu đang trải qua những thành thức và khó khăn rất lớn, thiếu ổn định trong cấu trúc thị trường, thiếu tin tưởng từ phía các nhà đầu tư và DN. Sự ra đời của VIS Rating không chỉ là một bước quan trọng trong quá trình phát triển của thị trường tài chính, mà còn là sự kiện quan trọng để nhanh chóng tạo dựng lại niềm tin, sự minh bạch và chuẩn mực cho thị trường trái phiếu Việt Nam”, ông Phạm Phú Khôi nhấn mạnh.

Đại diện các công ty xếp hạng tín nhiệm trao đổi tại Hội thảo – Ảnh: VGP

Tăng minh bạch giúp thị trường tài chính phát triển lành mạnh

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định: Hoạt động xếp hạng tín nhiệm là cấu phần quan trọng của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng.

Thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư có thêm thông tin về mức độ rủi ro trên thị trường tài chính và trái phiếu trên thị trường đầu tư. Kết quả xếp hạng tín nhiệm không phải khuyên nhà đầu tư mua bán sản phẩm tài chính nào đó, mà đây là thông tin tham khảo quan trọng, được các chủ thể trên thị trường quan tâm khi ra quyết định đầu tư.

Cùng với hoạt động kiểm toán độc lập, hoạt động xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp thị trường vốn phát triển bền vững, khơi thông nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Để VIS Rating được chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo pháp luật Việt Nam, Bộ Tài chính sau khi thẩm định kỹ càng hồ sơ, với nhiều câu hỏi phỏng vấn xác đáng cần thiết.

Theo các chuyên gia, thời gian qua Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán, một trong những hạn chế của Việt Nam thời gian qua chính là hoạt động xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam chưa phát triển. Do đó, cần có các giải pháp nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác công bố thông tin của công ty niêm yết, như phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm,

Trao đổi tại Hội thảo Cập nhật các biến động trên thị trường TPDN Việt Nam, bà Wendy, Tổng giám đốc và Trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Moody’s Investor Service, Thành viên HĐQT VIS Rating, đánh giá Việt Nam với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và hội nhập ngày càng tăng vào nền kinh tế toàn cầu, mang đến những cơ hội và thác thức to lớn.

“Giá trị TPDN đang lưu hành của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nợ. Khi thị trường trái phiếu nội địa của Việt Nam phát triển, xếp hạng tín nhiệm và nghiên cứu sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng bằng cách giúp các công ty tiếp cận nguồn vốn mới, xây dựng chiến lược tài trợ, thể hiện sự minh bạch và duy trì niềm tin của các nhà đầu tư trong thời kỳ thị trường căng thẳng”, đại diện Moody’s chia sẻ.

Lãnh đạo Moody’s nhấn mạnh sự hợp tác giữa VIS Rating và Moody’s là một bước quan trọng, đây là một bước đi đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lại của ngành tài chính Việt Nam.

Bà Wendy Chong, Tổng Giám đốc Moody’s cho biết: Moody’s đã hình thành quan hệ hợp tác với các thị trường nội địa trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Đối với Việt Nam, Moody’s mong muốn hợp tác với nhà đầu tư, nhà phát hành trái phiếu và các bên trung gian thông qua VIS Rating.

Moody’s cam kết sẽ cung cấp dịch vụ theo thông lệ tốt nhất, hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn, giúp nâng cao năng lực của VIS Rating, trở thành DN được các bên lựa chọn tại Việt Nam. Nếu nhìn rộng ra, cách tốt nhất để phục vụ các nhà đầu tư, nhà phát hành trái phiếu và thị trường nói chung là phải có mặt trực tiếp và làm việc với các bên.

Ông Simon Chen, Giám đốc khối xếp hạng và phân tích của VIS Rating phân tích: Về tiềm năng thị trường năm 2024, ông Simon Chen chia sẻ 3 điểm nhấn dẫn dắt: Tỷ lệ trái phiếu chậm trả gốc, lãi giảm dần. Môi trường lãi suất thấp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ dần hiệu quả, giúp hoạt động kinh doanh của DN khởi sắc, nâng cao trả nợ. Quy định chặt chẽ hơn của Nghị định 65 cũng giúp thị trường kỷ luật hơn, bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.

“Ngân hàng sẽ là nhóm dẫn đầu về phát hành trong giai đoạn tới”, ông Simon dự báo.

Moody’s là một trong ba hãng định mức tín dụng hàng đầu trên thế giới. Bao gồm Standard & Poor’s; Moody’s Investor Service (MIS) và Fitch Ratings. Moody’s được thành lập vào năm 1909 bởi John Moody. Thực hiện sản xuất các hướng dẫn thống kê liên quan đến kho hàng và tín dụng và trái phiếu tín dụng. Với các hoạt động ban đầu được thực hiện chỉ tập trung xếp hạng tín dụng chủ yếu cho các DN thuộc thị trường trái phiếu Mỹ. Tuy nhiên, với các nhu cầu mở rộng thị trường, cùng với các tiềm năng trong đánh giá tín dụng, đến năm 1970 công ty mở rộng phạm vi xếp hạng tới các khoản nợ của Chính phủ các nước.